Tổ chức Cứu trợ/Phát triển quốc tế (Foundation For International Development/Relief – FDIR) là một tổ chức phi chính phủ, được thành lập tại Nhật Bản vào năm 1990. Văn phòng FIDR Việt Nam được thiết lập nhằm triển khai các dự án phát triển cộng đồng hướng đến các đối tượng dễ bị tổn thương nhằm tạo ra môi trường phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc. Thực hiện Kế hoạch số 842/KH-ĐHTB ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Trường Đại học Tây Bắc về việc hợp tác với FIDR khảo sát tình hình sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La, Nhà Trường cử cán bộ Khoa Nông Lâm thực hiện hoạt động hợp tác với FIDR và các bên liên quan. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid nên các buổi làm việc được thực hiện bằng hình thức thảo luận trực tuyến giữa hai điểm cầu Sơn La và Đà Nẵng.
Hình 1. Tổ chức hội thảo trực tuyến giữa bà con trồng cà phê tại Sơn La và tổ chức FIDR
Chiều ngày 11/9/2020 đại diện các bên gồm: bà Nabuko Otsuki, Trưởng Văn phòng FIDR Đà Nẵng; bà Đỗ Thị Mỹ Hoa và bà Cao Thị Dung, cán bộ Văn phòng FIDR Đà Nẵng; TS Vũ Quang Giảng, Trưởng Khoa Nông Lâm, TS Hoàng Văn Thảnh, Phó trưởng Khoa Nông Lâm; ThS Đào Thanh Hải, giảng viên Khoa Nông Lâm. Hai bên đã trao đổi về tình hình phát triển sản xuất cà phê ở tỉnh Sơn La, chia sẻ về những giá trị kinh tế mà cây cà phê đã đem lại cho bà con; đồng thời cũng làm nổi bật được khó khăn, thách thức mà các hộ dân trồng cà phê đang gặp phải; đề xuất những giải pháp trước mắt và lâu dài để sản xuất cà phê Sơn La bền vững hơn.
Để hiểu rõ hơn về tình hình sản xuất Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La, ngày 15/9/2020, Trường Đại học Tây Bắc và FIRD đã thực hiện buổi thảo luận trực tuyến với đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La: bà Phạm Thị Lan – Phó Chi cục trưởng; ông Đỗ Ngọc Tứ, Trưởng Phòng Trồng trọt. Tại buổi thảo luận các bên đã trao đổi thông tin canh tác cà phê tại Sơn La theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao, bền vững. Cây cà phê được phát triển theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành liên kết vùng sản xuất tập trung, áp dụng thực hành nông nghiệp hữu cơ; sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu. Tỉnh Sơn La có những chính sách tập trung hỗ trợ tìm đầu ra, nâng cao giá trị sản phẩm cà phê được sản xuất ra trên địa bàn Tỉnh.
Sáng ngày 18/9/2020 tại phòng 103D tòa nhà Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Tây Bắc cùng với FIDR đã tổ chức buổi hội thảo trực tuyến với 09 hộ dân đại diện cho các vùng trồng cà phê trồng cà phê của Tỉnh: thành phố Sơn La, huyện Thuận Châu và Mai Sơn. Trong buổi hội thảo trực tuyến có 2 công cụ được sử dụng chủ yếu trong phương pháp phát triển nông thôn có sự tham gia đó là: công cụ SWOT (phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) và công cụ lựa chọn thứ tự ưu tiên bằng 10 hạt đậu. Với phương pháp dễ làm và đơn giản, những ý kiến chia sẻ của bà con nông dân đã được ghi nhận, giúp bà con nhìn nhận lại những vấn đề đã và đang tồn tại với nghề trồng cà phê của cộng đồng mình. Đa số các hộ dân đều ủng hộ chủ chương phát triển cây cà phê theo hướng bền vững của tỉnh Sơn La và thực hiện tuân thủ quy trình của chứng chỉ về cà phê như UTZ, 4C đang được áp dụng.
Hình 2. Đại diện hộ nông dân trồng cà phê thảo luận về tình hình sản xuất, sinh kế của cộng đồng
Trên cơ sở hợp tác khảo sát giữa FIDR với Trường Đại học Tây Bắc, FIDR mong đợi đây là những khảo sát ban đầu để FIDR cùng với Nhà trường thực hiện các hoạt hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp của Nhật Bản với các doanh nghiệp Việt Nam cùng nông dân thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ cà phê tại Sơn La hiệu quả và bền vững.