Chào mừng Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Đại học Tây Bắc, ngày 4/10/2020, trường Đại học Tây Bắc phối hợp với Viện Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo về phía nhà trường có: TS Đoàn Đức Lân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường, NGƯT.TS. Đinh Thanh Tâm – Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường, NGƯT.PGS.TS. Nguyễn Triệu Sơn – Phó Hiệu trưởng Nhà trường; lãnh đạo các phòng, ban, khoa, trung tâm; các nhà khoa học, các giảng viên và sinh viên thuộc các khoa Nông Lâm, khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ……
Tham dự hội thảo về phía khách mời có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh Sơn La; các đại biểu tới từ trường Đại học Quốc gia Hà nội, trường Đại học Phenikaa, Viện Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc… Tham dự còn có các cơ quan truyền thông báo, đài địa phương. Ban Tổ chức Hội thảo cũng đã nhận được 125 bài viết của các giảng viên, các nhà khoa học trong cả nước gửi đến tham dự Hội thảo, trong đó đã chọn 90 bài để in trong Kỷ yếu khoa học và 6 bài trình bày trực tiếp tại Hội thảo.
Dưới sự điều hành của Ban Chủ tọa: TS Đoàn Đức Lân – Chủ tịch hội đồng trường Đại học Tây Bắc, PGS.TS. Lưu Thế Anh – Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, TS Nguyễn Thị Phương Nga – Đại học Phenikaa, Hội thảo đã được nghe các nhà khoa học trình bày các báo cáo:
- GS. TS. Nguyễn Ngọc Thạch: Xây dựng hệ thông cảnh báo sớm đa tai biến ở quy mô cấp huyện cho vùng núi Tây Bắc trên cơ sở tích hợp địa thông tin và công nghệ đa phương tiện.
- TS. Nguyễn Thị Phương Nga: Nghiên cứu về khả năng phục hồi của cộng đồng đối với du lịch cộng đồng ở nông thôn Tây Bắc – Việt Nam;
- GS Phan Kế Lộc: Sâm Lai Châu với các quần thể mọc hoang dại có giá trị kinh tế lớn nhất trong số các quần thể thực vật nói chung ở các tỉnh Lai Châu và Điện Biên;
- TS. Vũ Đức Toàn: Thực trạng quản lý tài nguyên rừng vùng Tây Bắc Việt Nam;
- Phạm Văn Hùng: Đánh giá hiệu quả và tiềm năng các hoạt động REDD+: Nghiên cứu điển hình tại xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, Việt Nam.
- ThS. Trần Thị Phượng: Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào hợp tác hóa ở Tây Bắc.
TS Vũ Đức Toàn – Khoa Nông Lâm – trình bày báo cáo và trao đổi tại Hội thảo
Các báo cáo khoa học đã nhìn nhận, phân tích theo nhiều góc độ và nội dung khác nhau về chủ đề của Hội thảo. Các báo cáo đã góp phần làm rõ và sâu sắc hơn một số vấn đề tài nguyên và môi trường tại khu vực Tây Bắc hiện nay đặc biệt là về thực trạng quản lý tài nguyên rừng, các vấn đề về thiên tai thường xảy ra tại vùng núi phía Tây Bắc đồng thời đưa ra các hướng phát triển bền vững cho khu vực như: cảnh báo sớm thiên tai nhằm trợ giúp cho địa phương đưa ra các quyết định phù hợp, các hình thức khoanh nuôi tái sinh rừng và các mô hình nông lâm kết hợp cho thấy hiệu quả và có tiềm năng phát triển tại khu vực. Ngoài ra, vùng Tây Bắc có nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng, do đó, cần có sự nỗ lực từ tất cả các bên tham gia vào hoạt động du lịch để đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch tại các địa phương.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Đoàn Đức Lân khẳng định: Hội thảo đã tạo ra diễn đàn cho các nhà quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu. Kết quả đạt được của Hội thảo đã góp phần đề xuất các giải pháp quản lý , khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Hi vọng sau buổi hội thảo sẽ hình thành được nhiều nhóm nghiên cứu lớn để đưa các giải pháp vào thực hiện trong quá trình phát triển của khu vực.