Ngày 23/03/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Chức năng của Trường Đại học Tây Bắc là đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nhằm cung cấp đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật cho khu vực Tây Bắc và vùng lân cận. Xuất phát từ nhiệm vụ của Nhà Trường và yêu cầu thực tiễn về cán bộ Nông – Lâm nghiệp của khu vực Tây Bắc, ngày 9 tháng 1 năm 2006 Khoa Nông – Lâm được chính thức thành lập trên cơ sở Ban Kinh tế Nông – Lâm. Từ khi thành lập đến nay, Khoa Nông – Lâm không ngừng phát triển lớn mạnh về mọi mặt, đã đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên ra trường đáp ứng được với yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn.

1. Lịch sử phát triển của Khoa Nông – Lâm giai đoạn 2003 – 2006

Ngày 27 tháng 8 năm 2003, Ban Kinh tế – Nông lâm được thành lập theo Quyết định số 151/QĐ-TCCB của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc. Khi mới thành lập, Ban Kinh tế – Nông lâm có 4 thành viên (ông Vũ Quang Giảng Trưởng Ban, ông Cao Đình Sơn, ông Nguyễn Tiến Dũng, ông Trần Quốc Thư) sinh hoạt tại Khoa sinh hóa. Nhiệm vụ của Ban Kinh tế – Nông lâm là xây dựng xây dựng, phát triển các ngành thuộc khối Kinh tế và khối Nông lâm của Trường Đại học Tây Bắc. Trong thời gian từ khi thành lập đến 2005, Ban Kinh tế – Nông lâm đã tập trung xây dựng và mở các mã ngành đào tạo trình độ đại học như: Nông học, Lâm sinh, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Quản lý tài nguyên rừng và môi trường. Năm 2003, đã chính thức tuyển sinh và đào tạo hai lớp Đại học Nông học và Đại học Lâm sinh đầu tiên với 120 sinh viên. Năm 2004, tuyển sinh và đào tạo thêm ngành kế toán tổng hợp. Năm 2006, ngoài 3 ngành đào tạo trình độ đại học (Nông học, Lâm sinh, Kế toán) còn liên với trường Kinh tế quốc dân mở ngành Quản trị kinh doanh, liên kết với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội mở ngành Bảo vệ thực vật.

2. Lịch sử phát triển của Khoa Nông – Lâm giai đoạn 2006 – 2012

Ngày 9 tháng 1 năm 2006, Khoa Nông – Lâm – Kinh tế được thành lập trên cơ sở Ban Kinh tế – Nông lâm. Cơ cấu tổ chức của Khoa Nông – Lâm – Kinh tế gồm: Ban chủ nhiệm Khoa và 3 Bộ môn (Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Kinh tế). Về cơ cấu nhân sự Ban chủ nhiệm Khoa: ông Đoàn Đức Lân được bổ nhiệm Trưởng khoa, ông Vũ Quang Giảng – Phó trưởng Khoa, ông Cao Đình Sơn – Phó trưởng Khoa; Bộ môn Nông nghiệp: ông Nguyễn Văn Khoa – Trưởng Bộ môn, ông Phạm Quang Thắng – Phó trưởng Bộ môn; Bộ môn Lâm nghiệp ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng Bộ môn, ông Đào Nhân Lợi – Phó trưởng Bộ môn; Bộ môn Kinh tế: Bà Nguyễn Thị Lan Anh – Trưởng Bộ môn, ông Vũ Quang Hưng – Phó Trưởng Bộ môn. Nhiệm vụ của Khoa là thay mặt Nhà trường quản lý các hoạt động đào tạo tại cơ sở Thuận Châu. Năm 2008, một bộ phận hành chính bảo vệ tại cơ sở Thuận Châu được Khoa thống nhất quản lý. Ông Trần Anh Dũng được bổ nhiệm tổ trưởng Tổ hành chính bảo vệ

Ngày 14 tháng 8 năm 2008, Bộ môn Kinh tế tách khỏi Khoa Kinh tế – Nông lâm theo Quyết Định số 415/QĐ-ĐHTB-TCCB của Hiệu Trưởng Trường Đại học Tây Bắc. Khoa Kinh tế – Nông lâm đổi tên thành Khoa Nông – Lâm.

Ngày 3 tháng 12 năm 2010, Bộ môn Sinh học ứng dụng được thành lập theo Quyết định số 734/QĐ-ĐHTB-TCCB của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc, bà Nguyễn Thị Thanh Nga được bổ nhiệm Trưởng Bộ môn, bà Đoàn Thuỳ Linh là Phó Trưởng Bộ môn).

Trong quá trình phát triển từ khi mới thành lập, Khoa Nông – Lâm không ngừng phát triển về mọi mặt. Tính đến tháng 2 năm 2012 Khoa đã đào tạo được 5 khoá sinh viên Nông- Lâm ra trường với khoảng 600 sinh viên. Hiện nay Khoa đang quản lý 1100 học sinh, sinh viên biên chế trong 16 lớp sinh viên thuộc 5 chuyên ngành đào tạo (Nông học, Lâm sinh, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật) và 2 lớp học sinh dự bị tạo nguồn. Đội ngũ cán bộ được tăng cường về số lượng và chất lượng. Có 57 cán bộ giảng viên trong Khoa biên chế trong 3 bộ môn (Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Sinh học ứng dụng) và 01 tổ hành chính quản trị, 01 bộ phận thực hành. Chất lượng đội ngũ giảng viên: 01 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, 5 đang NCS, 9 đang học cao học còn lại là trình độ đại học. Đối với công tác nghiên cứu khoa học, Khoa Nông – Lâm là Khoa có phong trào nghiên cứu khoa học mạnh của Nhà trường. Cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trường vv…; đã hợp tác nghiên cứu với nhiều tổ chức trong và ngoài nước, năng lực của cán bộ và giảng viên ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu ngày càng được bổ sung và hoàn thiện đáp ứng được yêu cầu phát triển của Khoa.

Với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên, sinh viên trong Khoa, có thể khẳng định Khoa Nông – Lâm ngày càng trưởng thành, vững bước đi lên trong sự phát triển chung của Nhà trường.

Sơn La, ngày 23 tháng 2 năm 2012

Bài viết của tác giả: TS. Vũ Quang Giảng – Trưởng Khoa Nông – Lâm.

 

 

 

 

 

Trả lời