Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 về Hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi quy định về tiêu chí, danh mục, cập nhật danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, giống vật nuôi cấm xuất khẩu, cụ thể được thể hiện trong điều 6, điều 7, điều 8 như sau:
Điều 6. Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn
- Giống vật nuôi đưa vào Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
- a) Có số lượng cá thể hoặc có số nhóm huyết thống còn ít dẫn đến nguy cơ cận huyết cao;
- b) Có số lượng cá thể suy giảm ít nhất 50% theo quan sát hoặc ước tính trong 05 năm gần nhất tính đến thời điểm đánh giá hoặc được dự báo suy giảm ít nhất 50% trong 05 năm tiếp theo.
- Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này. Theo đó, các giống vật nuôi được bảo tồn gồm 22 giống sau: lợn ỉ, lợn Chư Prông, lợn Mường Tè, lợn cỏ Bình Thuận, lợn Kiềng sắt, gà Tây Kỳ Sơn, gà trụi lông cổ, gà lông chân, gà H’Re, gà lùn Cao Sơn, vịt Mường Khiêng, ngan dé, ngan trâu, ngỗng cỏ, ngựa Mường Luống, trâu Langbiang, dê đen, thỏ nội, ong khoái, ong ruồi đỏ, ong đá, ong nội.
- Việc cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Điều 7. Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu
- Giống vật nuôi đưa vào Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
- a) Giống vật nuôi bản địa mang nguồn gen quý, hiếm;
- b) Có tính độc đáo, đặc hữu của Việt Nam.
- Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này. Theo đó, các giống vật nuôi cấm xuất khẩu gồm 6 giống sau: lợn ỉ, lợn mini Quảng Trị, gà Đông Tảo, gà Hồ, bò H’Mông, bò u đầu rìu.
- Việc cập nhật Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu theo quy định tại Điều 8 Nghị định này.
Điều 8. Cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu
- Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, lập hồ sơ cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.
- Thành phần hồ sơ bao gồm: Kết quả rà soát, đánh giá về 2 Danh mục; Đơn của tổ chức, cá nhân đề nghị giống vật nuôi đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh (nếu có); Bản thông tin về tên giống và địa điểm phân bố của giống vật nuôi cần đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục; Bản thuyết minh tính cần thiết của việc đưa vào hoặc đưa ra khỏi Danh mục.
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cập nhật Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ kết quả thẩm định, trình Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Danh mục giống vật nuôi cần bảo tồn, Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu theo trình tự, thủ tục rút gọn./.Ths. Đoàn Thị Thùy Linh