Trong công tác bảo tồn thực vật, điều tra thu thập và tư liệu hóa là hoạt động quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo tồn. Song song với hoạt động thu thập, khai thác những hiểu biết, kinh nghiệm của người dân tại địa phương thì công việc thu thập mẫu vật làm tiêu bản thực vật không thể coi nhẹ, đặc biệt đối với những loài cây không phổ biến. Vì nếu chỉ có thông tin về hiểu biết và kinh nghiệm của người dân mà không có tiêu bản đi kèm sẽ hạn chế nghiên cứu và phát triển. Sau đây trình bày hướng dẫn về thu thập mẫu vật chụp ảnh, và xử lý mẫu thực vật trong quá trình điều tra.
1. Chuẩn bị dụng cụ thu mẫu:
– Bản đồ thảm thực vật khu vực thu mẫu
– Quần áo, giầy dép bảo hộ lao động
– Ống nhòm, la bàn, GPS
– Dụng cụ lấy mẫu: kéo chuyên dụng, dao, kéo cắt cành cao chuyên dụng, dây…
– Kẹp gỗ ép mẫu
– Cặp đựng mẫu, túi nilon, bao tải đựng mẫu
– Tag (label) để ghi số hiệu mẫu
– Báo khổ rộng, cồn (nếu không sấy ngoài thực địa) hoặc máy sấy và giấy carton lót mẫu
– Sổ ghi chép và bút
– Dụng cụ y tế sơ cứu
2. Lên kế hoạch thu mẫu:
– Đánh dấu theo tuyến cần thu mẫu lên bản đồ
– Chuẩn bị nhân công là dân địa phương thông thạo khu vực thu mẫu
– Lên kế hoạch các điểm cắm trại nếu thu mẫu dài ngày trên rừng
– Chuẩn bị lương thực nếu cắm trại
3. Thu mẫu
– Chọn mẫu vật chuẩn là mẫu bao gồm hoa (quả) và lá
– Mẫu cắt có chiều rộng và dài tương đương với khổ giấy A3 (tuy nhiên tuỳ theo dạng cây mà có thể thu mẫu nhỏ hơn hoặc to hơn nhưng nhất thiết phải bao gồm lá, hoa hoặc quả trên cùng một mẫu)
– Mẫu phải đảm bảo thấy được hình thái của lá, hoa, quả; mặt trên, dưới của lá; lá đơn hoặc lá kép, số lượng lá chét; hoa chùm hay đơn độc; quả phải bổ đôi để thấy được số lượng bầu và hạt (quả nhỏ thì thôi)
– Dùng kéo chuyên dụng để cắt cành trên cao, hoặc thuê người trèo cây lấy mẫu rồi buộc dây thả xuồng
– Chụp ảnh minh hoạ mẫu (tốt cho việc định loại, báo cáo)
– Dùng kẹp ép mẫu sơ bộ ngoài thực địa hoặc có thể đựng vào túi nilon hoặc bao tải để xử lý tại lán, trại (nhưng đảm bảo mẫu không bị rụng, dập, nát…)
– Ghi chép các dấu hiệu dễ mất như nhựa, màu hoa…; gắn tag/label (nhãn) vào mẫu và ghi số hiệu vào sổ ghi chép (công việc này có thể thực hiện ở lán, trại và nhập số hiệu trực tiếp vào máy tính cá nhân).
Ảnh 1. Chụp ảnh mẫu tại thực địa
Ảnh 2. Ép tiêu bản và ghi thông tin mẫu
4. Ép mẫu
– Bày một mẫu trên một khổ giấy A3 (giấy báo), gắn nhãn đánh dẫu số hiệu (các mẫu thu cùng 1 cây thì cho cùng 1 số hiệu)
– Mẫu bày trên mặt phẳng phải thấy được hình dạng lá, mặt trên dưới, cuống và đầu lá, lá đơn hay lá kép; hoa và quả
– Định loại sơ bộ tên khoa học
– Nhập các số liệu vào máy tính như: Hệ thực vật vùng nào; Họ, tên khoa học; Địa điểm thu mẫu; toạ độ thu mẫu; Kiểu sinh thái; các đặc điểm của cây thu mẫu như dạng cây, chiều cao, màu sắc, nhựa, mùi…sinh thái, sinh học; Số hiệu mẫu, số lượng mẫu, ngày thu mẫu và ảnh minh hoạ nếu có; Người thu mẫu.
5. Xử lý mẫu
– Đối với việc sẫy mẫu tại phòng tiêu bản: mẫu sau khi thu cần được lưu giữ trong cồn 50-60 độ, đựng trong túi nilon kín, lượng cồn sử dụng đảm bảo cồn đủ ngấm hết các bộ phận của mẫu (thông thường 1 lít cồn cho khoảng 2 kg mẫu). Việc xử lý như vậy chỉ có thể lưu giữ mẫu không bị thối trong vòng 2-3 tháng. Sau đó mẫu được sấy khô trong phòng mẫu bằng các dụng cụ như phần B
– Sấy mẫu ngoài thực địa: Dùng các thiết bị như máy sấy, quạt sưởi, bếp cồn, hoặc củi (sử dụng bếp lửa cần hết sức cẩn thận vì khi mẫu khô sẽ dễ dàng cháy) và phơi trong nắng hoặc gió cho đến khi mẫu khô.
6. Hoàn thành mẫu:
– Mẫu sau khi sấy khô được định loại tên khoa học chính xác nhất theo khả năng có thể
– In lý lịch mẫu và dán kèm theo mẫu
Tác giả bài viết: TS. Nguyễn Thành Sơn – Bộ môn Lâm nghiệp, Đại học Tây Bắc, TS. Phạm Văn Thế – Đại học Tôn Đức Thắng