Cây hoa hồng (Rosa sp.) có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới vùng Bắc bán cầu. Hoa hồng được trồng đầu tiên ở Trung Quốc, Ấn Độ, sau đó được du nhập qua Hà Lan, Pháp, Đức, Bungari. Cây hoa hồng (Rosa sp.) là cây thuộc lớp 2 lá mầm (Dicotyledoneae), lớp phụ hoa hồng (Rosidae), bộ hoa hồng (Rosales), họ hoa hồng (Rosaceae Juss), họ phụ hoa hồng (Rosoideae), chi hoa hồng: Rosa L. Cây hoa hồng bị hại bởi một số côn trùng, nhện, bệnh và tuyến trùng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho việc trồng hoa hồng. Trong đó, bệnh đốm đen hoa hồng (Marssonina rosae) là một trong những đối tượng gây hại chính, xuất hiện khắp các vùng trồng hoa hồng trên thế giới.
Triệu chứng bệnh
Bệnh hại chủ yếu trên lá hoa hồng. Để phân biệt bệnh đốm đen hoa hồng khác với các bệnh đốm khác là xuất hiện nhiều hay ít những đốm đen tròn kích thước khoảng 12 mm, có viền mép đâm tia (Westcott, 1972). Bệnh làm cho lá rụng sớm, có khi lá rụng hoàn toàn.
Hình 1. Triệu chứng bệnh đốm đen hoa hồng (Marssonina rosae)
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh đốm đen là nấm Diplocarpon rosae giai đoạn sinh sản vô tính có tên Marssonina rosae. Các sợi nấm phát triển trên lớp biểu bì của lá và phân nhánh. Nấm D. rosae hình thành các quả thể hình cầu trên các vết bệnh đã thành thục và qua đông ở đó, chúng chính là nguồn lây nhiễm đầu tiên vào mùa xuân trên đồng ruộng (Baker, 1948). Sợi nấm phân nhiều nhánh, không màu khi còn non, khi về già sợi nấm sẫm màu. Nấm hình thành vòi hút trong tế bào của cây ký chủ.
Hình 2. Bào tử phân sinh của nấm Marssonina rosae (nguồn Internet)
Điều kiện phát sinh và gây hại
Nấm M. rosae có khả năng thích ứng ở khoảng nhiệt độ khá rộng (15- 27 oC), điều kiện tốt nhất cho sự lây nhiễm và phát triển của bệnh là có độ ẩm tương đối trên 85% và lá được để ẩm ít nhất trong 6 giờ hoặc hơn, nhiệt độ thuận lợi nhất cho bào tử nảy mầm là 18- 20 oC. Bào tử phân không nảy mầm ở 33 oC, ở nhiệt độ 30 oC chúng có thể nảy mầm nhưng không đủ sức để phát triển. Sợi nấm sinh trưởng mạnh nhất ở 21 oC và ngừng phát triển sau 8 tuần ở nhiệt độ 33 oC. Sự lây nhiễm của bào tử trên lá mạnh nhất ở nhiệt độ 19-21 oC. Triệu chứng bệnh có thể xuất hiện trong vòng 3-4 ngày ở nhiệt độ 22- 30 oC. Sự lây nhiễm hoàn thành nếu lá vẫn ẩm ướt suốt 24 giờ trước khi khô. Sự lây nhiễm không thực hiện được trong không khí khô (Horst and Cloyd, 2007).
Biện pháp phòng trừ
Để phòng trừ bệnh đốm đen cần áp dụng các biện pháp: Tạo luồng không khí lưu thông xung quanh cây hoa và như vậy sẽ làm giảm độ ẩm, hạn chế sự lây nhiễm của bệnh; trồng hoa hồng tại các nơi có nhiều nắng; tỉa bớt cành lá, tưới nước dưới gốc hoa tránh tưới ướt lá, đặc biệt tránh tưới nước vào buổi chiều tối sẽ làm cây bị ẩm ướt trong suốt đêm tạo điều kiện thuận lợi cho bào tử nảy mầm và xâm nhiễm; tỉa bớt lá bệnh và thu dọn lá rụng trên đồng ruộng; tiêu diệt nguồn nấm trong đất bằng cách dùng dung dịch đồng sulfat 1 %, phun lên mặt đất, hoặc dùng mùn cưa, tro bếp phủ lên mặt đất (dầy khoảng 8 mm). Có thể phun thuốc định kỳ một tuần một lần với các loại thuốc như Anvil, Benomyl, Topsin M, Folpet, Maneb có hiệu quả trong việc phòng trừ bệnh (Dương Công Kiên, 1999).
Tài liệu tham khảo
Baker KF. 1948. The history, distribution and nomenclature of the Rose black spot fungus. Plant Dis Rep 32:260-274.
Horst RK, Cloyd RA. 2007. Compendium of rose diseases and pests: American Phytopathological Society (APS Press).
Dương Công Kiên. 1999. Kỹ thuật trồng và nhân giống cây hao hồng. Nhà xuất bản Nông nghiệp – Hà Nội
Westcott C. 1972. Plant disease handbook. Third edition Crotonon- Hudson, New York.
Tác giả: TS. Hoàng Văn Thảnh