Thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên môn học kỳ II năm học 2020 – 2021 của Bộ môn Lâm nghiệp, ngày 9/4/2021 Bộ môn đã tổ chức sinh hoạt chuyên môn tại phòng họp 103 – Tòa nhà khoa Nông Lâm, Trường Đại học Tây Bắc.
Với sự tham gia của đầy đủ các giảng viên của Bộ môn Lâm nghiệp và các giảng viên khác quan tâm, buổi sinh hoạt chuyên môn diễn ra khá sôi nổi và nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho các chuyên đề và những định hướng để phát triển trong thời gian tới.
Với mong muốn mang lại một sinh kế ổn định bền vững cho những người trồng cà phê thì báo cáo: “Sinh kế cho một số hộ dân thuộc xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La” của giảng viên Đào Thanh Hải đã bước đầu có những đánh giá chung về đặc điểm dân cư, xã hội của địa phương. Qua đó xác định được 05 mô hình trồng cà phê điển hình tại đây trong đó chủ yếu là sự kết hợp trồng cây cà phê với các loại cây trồng khác như: mận hậu, mận tam hoa (mận cơm), nhãn ghép, măng ngọt và cây mắc cọp – một loại cây bản địa điển hình của khu vực Tây Bắc. Mỗi loại cây trồng đều có những ưu nhược điểm khác nhau và được người dân lựa chọn trồng phụ thuộc với năng lực, điều kiện kinh tế và nhu cầu thị trường. Trong báo cáo chuyên đề cũng chỉ ra cần phải có những nghiên cứu kỹ lưỡng hơn nữa trong các mô hình kết hợp cây trồng dựa trên cơ sở cây cà phê để người dân có thu nhập ổn định hơn với loại cây trồng này.
Nối tiếp với chuyên đề tạo sinh kế bền vững cho bà con trồng cây cà phê là một chuyên đề hết sức hấp dẫn về “vấn đề nguyên lý nông lâm kết hợp” của Thạc sĩ Đinh Văn Thái đã cho toàn thể giảng viên tham gia thấy được bản chất của khái niệm Nông Lâm kết hợp đó là “việc kết hợp giữa cây thân gỗ sống lâu năm với các loài cây nông nghiệp hoặc vật nuôi trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác. Chúng được kết hợp với nhau một cách khoa học trong không gian hoặc theo trình tự về thời gian. Giữa chúng luôn có tác động với nhau cả về phương diện sinh thái và sinh kế theo hướng có lợi”. Là một tỉnh miền núi có điều kiện địa hình có nhiều đồi núi cao xen kẽ những dải đất nhỏ bằng phẳng thì việc áp dụng các mô hình nông lâm kết hợp hết sức có ý nghĩa cao . Lợi ích của các hệ thống Nông Lâm kết hợp không chỉ là cung cấp lương thực – thực phẩm cho bà con, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất mà còn có những lợi ích to lớn về giá trị môi trường sinh thái, bảo tồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Bài trình bày đã nhận thêm được nhiều ý tưởng chia sẻ của các thầy cô trong bộ môn như: Những khó khăn trong việc thực hiện các mô hình và giải pháp trong thực tiễn để giải quyết những vấn đề khó khăn đó.
Ths. Phạm Đức Thịnh trình bày báo cáo
Trong thời gian khoảng 10 năm trở lại đây thì loại cây trồng Mắc ca đã được nghiên cứu lai tạo và trồng tại Sơn La khá nhiều. Bài chia sẻ: “Theo dõi, cập nhật đánh giá tình hình sinh trưởng và phát triển cây Mắc ca trên địa bàn tỉnh Sơn La” của Ths. Phạm Đức Thịnh đã cho thấy diện tích trồng Mắc Ca tại sơn la khá là lớn trong đó tập trung tại huyện Mai Sơn, Thuận Châu và Sốp Cộp là nhiều nhất. Theo phương pháp cho điểm thì những nghiên cứu đã cho thấy loài cây này có độ thích nghi cao với tài nguyên khí hậu tại Sơn La. Bên cạnh đó báo cáo cũng đưa ra một số các khuyến nghị như: Loại cây này cần có những nghiên cứu sâu hơn về về các đối tượng dịch hại và cách phòng trừ trên Mắc ca; Xây dựng quy hoạch chi tiết Mắc ca trên địa bàn tỉnh và thực hiện tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch; Cần thiết phải xây dựng chuỗi giá trị cho Mắc ca bao gồm từ phát triển vùng nguyên liệu đến hệ thống thu gom, sơ chế và chế biến; Cần có chính sách đặc biệt về vốn, về chính sách khuyến nông để có thể phát triển Mắc ca bền vững trên khu vực Sơn La; Đề nghị bổ sung danh mục cây Mắc ca thực hiện theo Nghị quyết số 128/NQ-HĐND ngày 28/02/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La.
Buổi sinh hoạt chuyên môn đã để gợi ra nhiều ý tưởng để các giảng viên có những định hướng trong nghiên cứu khoa học trong thời gian tới.
Tác giả: ThS. Đào Thanh Hải – Bộ môn Lâm nghiệp
Xem báo cáo của Ths Đào Thanh Hải tại đây
Xem báo cáo của Ths. Đinh Văn Thái tại đây
Xem báo cáo của Ths. Phạm Đức Thịnh tại đây