Ngày 30 tháng 11 năm 2021, Bộ môn Nông học tổ chức seminar theo kế hoạch năm học 2021 – 2022. Tham gia buổi seminar có các giảng viên trong bộ môn và các giảng viên quan tâm.

Buổi seminar đã chia sẻ hai báo cáo:

“Kairomone và ứng dụng chúng trong phòng trừ mọt đục quả cà phê” của ThS. Bùi Thị Sửu.

 

Ảnh 1: ThS. Bùi Thị Sửu đang chia sẻ báo cáo

Bài báo cáo đã chia sẻ các nội dung như: Khái niệm về Kairomone, một số thử nghiệm ứng dụng bẫy Kairomone trong phòng trừ mọt đục quả tại Sơn La.

Bẫy Kairomone có khả năng thu hút mọt đục quả cà phê, thu bắt trưởng thành cái để khống chế số lượng quần thể mọt đục quả, dự báo sớm hoạt động bay tìm quả cà phê của trưởng thành thông qua số lượng trưởng thành vào bẫy.

“Đánh giá một số dòng, giống lúa mới tại khu vực Tây Bắc Việt Nam” của ThS. Nguyễn Hoàng Phương.

Tác giả đã chia sẻ các thử nghiệm về 5 giống lúa ( C11, Ja 12, Ja 35, Ja 23, J 02) trong vụ Xuân và vụ Mùa tại Mộc Châu, Mai Sơn và Điện Biên. Kết quả bước đầu cho thấy Ja 35 cho năng suất cao nhất khi trồng tại Mộc Châu.

Ảnh 2: ThS. Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ báo cáo

Sau mỗi báo cáo là những trao đổi thảo luận sôi nổi của các thầy cô về các chủ đề báo cáo. Ứng dụng của Kairomone trong phòng trừ mọt đục quả hại cà phê rất thiết thực trong công tác sản xuất cà phê tại Sơn La. Cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa để giúp hoàn thiện kỹ thuật sản xuất cà phê của tỉnh nhà. Các giống lúa mới khi đưa vào sản xuất rất cần những thử nghiệm ban đầu để đánh giá sự thích nghi với vùng sinh thái giúp bà con nông dân có được bộ giống lúa tốt cho năng suất cao. Các nghiên cứu là những đánh giá bước đầu về các kỹ thuật thử nghiệm và đưa ra những nghiên cứu chuyên sâu tiếp theo để có thể đưa vào ứng dụng thực tế cho công tác sản xuất Nông nghiệp địa phương.

Buổi sinh hoạt chuyên môn đã giúp cho các thành viên bộ môn chia sẻ các hướng nghiên cứu mới, chia sẻ các kinh nghiệm công bố bài báo quốc tế cũng như trong nước rất thực tế và bổ ích.

Tác giả: ThS. Vũ Thị Nự

Trả lời