Gạo là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Điện Biên, với ưu thế có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn, lúa gạo trồng tại Điện Biên có đặc điểm thơm ngon, gạo Điện Biên đã có tiếng trên thị trường trong nước, đặc biệt là vùng Tây Bắc. Chuỗi giá trị gạo Điện Biên đã được hình thành và hoạt động khá tốt trên nền tảng các hợp tác xã trồng lúa, và các doanh nghiệp tại địa phương đầu tư khá mạnh tay trong khâu chế biến, xây dựng thương hiệu. Mặc dù vậy, số hợp tác xã được hình thành rất ít, và hoạt động liên kết sản xuất còn yếu, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, cho đến năm 2020 diện tích lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap tại Điện Biên hầu như không có. Đây là điều khó khăn cho việc hình thành các chuỗi mạnh cũng như thực hiện liên kết bán sản phẩm cho các đơn vị lớn trong cả nước.

Thực hiện các nội dung trong đề tài: “Nghiên cứu đề xuất một số chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chính tại tỉnh Điện Biên”, do tiến sĩ Nguyễn Văn Khoa, giảng viên khoa Nông – Lâm, Trường Đại học Tây Bắc làm chủ nhiệm đề tài, từ năm năm 2018 – 2020, các giảng viên khoa Nông – Lâm, trường Đại học Tây Bắc đã tiến hành xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuyển VietGap tại Điện Biên với quy mô 10ha. Đây là mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap đầu tiên được thực hiện tại Điện Biên. Mô hình được thực hiện tại Hợp tác xã Thanh Yên tại xã Thanh Xương, huyện Thanh An, thành phố Điện Biên Phủ. Mục tiêu của việc xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap tại Điện Biên là nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo độ an toàn cho sản phẩm. Và đây sẽ là mô hình điểm để nhân rộng diện tích sản xuất lúa đảm bảo an toàn theo các tiêu chuẩn quy định tại Điện Biên, góp phần đưa sản phẩm lúa gạo của Điện Biên tham gia tốt vào các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

TS. Nguyễn Văn Khoa cùng đoàn công tác thảo luận xây dựng mô hình Dự án với HTX Thanh An

Trong quá trình thực hiện mô hình, các giảng viên khoa Nông – Lâm, Trường Đại học Tây Bắc đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên, Trung tâm Kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC tiến hành các bước từ tập huấn quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap cho các hộ dân trong Hợp tác xã Thanh Yên, tiến hành đánh giá chất lượng đất, nước và phối hợp với các hộ dân cùng xây dựng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap với giống lúa Séng Cù là giống có chất lượng cao và được thị trường ưa chuộng.

TS. Nguyễn Văn Khoa cùng các chuyên gia thuộc Trung tâm kiểm nghiệm chất lượng TQC

tiến hành tập huấn sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap tại Điện Biên

Kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap tại Điện Biên đã thành công tốt đẹp, đạt năng suất cao. Đặc biệt, sau khi tiến hành thu hoạch, các mẫu hạt thóc trong mô hình đã được Trung tâm Kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC tiến hành đánh giá chất luo, kiểm nghiệm và đạt tiêu chuẩn theo quy định. Hợp tác xã Thanh Yên đã được cấp chứng nhận sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap. Sau khi được cấp chứng nhận VietGap, sản phẩm gạo Tâm sáng của Hợp tác xã Thanh Yên đã được tỉnh Điện Biên cấp chứng nhận là sản phẩm gạo đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây là tiền đề quan trọng để gạo Điện Biên có chỗ đứng trên thị trường và được chấp nhận tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong cả nước.

  

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Điện Biên cùng các giảng viên trường Đại học Tây Bắc

tiến hành đánh giá và nghiệm thu mô hình  

Tác giả: TS. Nguyễn Văn Khoa

Trả lời