Lê Văn Hà1, Trần Hiệp2*, Nguyễn Hùng Sơn2, Nguyễn Xuân Trạch2 và Bùi Quang Tuấn2

1Trường ĐH Tây Bắc; 2Khoa Chăn nuôi – Học viện Nông nghiệp Việt Nam

PROCESSING AND PRESERVING OF PASSION FRUIT PEEL FOR RUMINANT FEED

TÓM TẮT

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6/2017 đến tháng 10/2018, với mục đích điều tra, đánh giá tiềm năng phụ phẩm vỏ quả chanh leo của tỉnh Sơn La và tiến hành thử nghiệm ủ chua vỏ chanh leo làm thức ăn cho gia súc nhai lại. Vỏ chanh leo thu thập tại công ty Cổ phần Nafood Tây Bắc được ủ chua theo 5 công thức, cụ thể như sau: CT1: Vỏ chanh leo, (2) CT2: Vỏ chanh leo ủ với 2% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng), (3) CT3:75% vỏ chanh leo + 20% lõi ngô khô + 5% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng), (4) CT4: 75% vỏ chanh leo + 20% bã mía + 5% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng), (5) CT5: 75% vỏ chanh leo + 10% lõi ngô khô + 10% bã mía + 5% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng). Nguyên liệu sau khi trộn được nén chặt theo từng lớp một vào bình nhựa có dung tích 10 lít mỗi bình. Mỗi công thức ủ 9 bình (3 lần lặp lại cho 3 khoảng thời gian bảo quản). Thời điểm đánh giá chất lượng thức ăn ủ chua là 30, 60 và 90 ngày.

Kết quả đánh giá chất lượng cảm quan sau khi ủ 30 ngày cho thấy thức ăn ủ chua ở tất cả các công thức đều có màu vàng nâu nhạt, thức ăn mềm có mùi chua nhẹ và không bị mốc. Sau 60 và 90 ngày ủ thì thức ăn chuyển sang màu vàng nâu đậm hơn, mềm, có mùi chua nhẹ và xuât hiện mốc trên 1/3 bề mặt. Đặc biệt, ở công thức ủ chỉ có vỏ chanh leo (CT1) hay vỏ chanh leo và 2% rỉ mật (CT2) thì thức ăn trở nên chua, mềm nhũn và hơi nát thể hiện chất lượng kém. Các công thức có sử dụng thêm 20% bã mía và/hay lõi ngô cùng với 5% rỉ mật cho kết quả tốt hơn, có dấu hiệu cho thấy thức ăn ủ chua có thể bảo quản được ổn định lâu dài. Giá trị pH và hàm lượng các axit hữu cơ cho thấy ở tất cả các công thức ủ quá trình lên men đã ổn định sau 1 tháng ủ chua (pH<4,2).  Tuy nhiên, CT3, CT4 và CT5 có các chỉ tiêu này tốt hơn, cho phép bảo quản được thời gian dài, mà vẫn giữ được chất lượng thức ăn ủ chua tốt.

Như vậy, ủ chua vỏ quả chanh leo với cùng 20% lỗi ngô khô và 5% rỉ mật hay 10% lõi ngô khô + 10% bã mía + 5% rỉ mật đều cho kết quả tốt theo đánh giá cảm quan, pH cũng như các chỉ tiêu phân tích hoá học. Cả 2 công thức này có thể sử dụng cho các nghiên cứu tiếp theo trên gia súc.

Từ khóa: vỏ chanh leo, thức ăn, gia súc nhai lại.

SUMMARY

A study was conducted from june 2017 to October 2018, with the aim of investigating and assessing the potential of passion fruit peel in Son La province and conducting experiments of silage of passion fruit peel as feed for ruminants. Passion fruit peel collected at Tay Bac Nafoods Joint Stock Company was ensiled according to 5 formulas, as follows: (1) CT1: 100% Passion fruit peel, (2) CT2: Passion fruit peel + 2% molasses (wet basic), (3) CT3: 75% passion fruit peel + 20% dry corn cob + 5% molasses (wet basic), (4) CT4: 75%  passion fruit peel + 20% bagasse + 5% molasses (wet basic), (5) CT5: 75% passion fruit peel + 10% dry corn cob + 10% bagasse + 5% (wet basic). After mixing, the raw materials were compressed layer by layer into a plastic container of 10 liter each. Each formula was ensiled 9 containers (3 replicates and 3 periods). The quality of silage was evaluated at days 30, 60 and 90.

Results of silage quality after 30 days of preservation showed that the quality of all forulas was light brown, soft feed, slight sour smell and appeared moldy on 1/3 of the surface in the formula of only passion fruit peel (CT1) or passion fruit peel with 2% molasses (CT2). The silages became sour, soft and silghtly crushed, showing poor quality. Passion fruit feed with 20% bagasse and/or corn cob along with 5% molasses showed better quality, showing that silages could be stored for long period of time. The pH and organic acids showed that all ensiled formulas were table after 1 month (pH<4.2). However, CT3, CT4 and CT5 showed better quality, allowing preservation for a long time. Thus, preserving passion fruit peed with 20% dried corn and 5% molasses or 10% dried corn cob + 10% bagasse + 5% molasses would result in a good silage quality according to sensery evaluation, pH and the chemical analysis. Both of these formulas can be used further experiment in cattle.

Key words: passion fruit peel, feed, ruminant.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Những năm gần đây cây chanh leo đã được trồng ở nhiều nơi trong nước với tốc độ phát triển rất nhanh nhờ có thị trường xuất khẩu tốt. Tuy nhiên, việc chế biến quả chanh leo xuất khẩu đã để lại lượng vỏ phụ phẩm lớn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tại Sơn La sự phát triển và mở rộng quy mô trồng chanh leo của tập đoàn Nafood Tây Bắc đã tạo ra một nguồn phụ phẩm vỏ quả ngày càng lớn. Theo kế hoạch dự kiến (Công ty Nafood Tây Bắc, 2017), diện tích trồng chanh leo ở Sơn La năm 2020 là 5.000 ha. Như vậy, ước tính với tính với năng suất quả đạt 30-50 tấn/ha với khoảng 2/3 là cùi vỏ, hàng năm tại Sơn La sẽ có khoảng 100.000-150.000 tấn vỏ quả chanh leo. Một số nghiên cứu đã cho thấy vỏ quả chanh leo có thể làm thức ăn tốt cho bò (Alves và cs 2015) và cừu (Sena và cs, 2015). Do vậy, nếu chế biến được nguồn phụ phẩm này làm thức ăn chăn nuôi ở Sơn La thì đó sẽ là một giải pháp tốt cho Tỉnh. Vấn đề đặt ra là giá trị dinh dưỡng của vỏ chanh leo như thế nào và giải pháp nào để bảo quản được nguồn phụ phẩm này làm thức ăn chăn nuôi?

Ngành chăn nuôi trâu bò của nước ta hiện nay phát triển mạnh, tổng số lượng trâu bò tăng nhanh đạt 8.228 nghìn con vào năm 2018 (Tổng Cục Thống kê, 2019), đặc biệt là chăn nuôi bò sữa và chăn nuôi trâu bò lấy thịt. Sự phát triển chăn nuôi đại gia súc đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân. Riên tại Mộc Châu, tổng đàn bò của Mộc Châu Milk hiện đạt trên 25.000 con, cung cấp gần 100.000 tấn sữa tươi phục vụ nhu cầu người Việt. Mục tiêu đến năm 2020 nâng tổng số đàn bò lên khoảng 32.000 với số lượng gia súc nhai lại lớn như vậy thì nhu cầu sử dụng thức ăn lớn để đáp ứng nhu cầu này. Nguồn thức ăn thô của tỉnh nhiều lúc chưa đáp ứng đủ cho số lượng bò lớn như này và phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn giá cao từ nước ngoài. Hiện tại nguồn thức ăn thô cung cấp cho phát triển chăn nuôi trâu bò nói chung và bò sữa nói riêng tại Sơn La đang bị thiếu hụt, đặc biệt vào mùa đông, do diện tích đất trồng cỏ bị thu hẹp vì nhu cầu sử dụng đất vào các mục tiêu khác. Vì thế, giải pháp tận dụng các nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương làm thức ăn chăn nuôi là rất cần thiết.

ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Địa điểm và thời gian nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 6/2017 đến tháng 10/2018 tại vùng nguyên liệu vỏ chanh leo tại Mộc Châu – Sơn La và Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Đối tượng nghiên cứu :

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là vỏ chanh leo thu thập tại các Mộc Châu – Sơn La

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp ước tính khối lượng vỏ chanh leo: Khối lượng vỏ chanh leo được ước tính dựa vào chính phẩm hoặc dựa vào diện tích gieo trồng. Khối lượng quả, vỏ chanh leo sẽ được khảo sát thực tế tại 50 hộ. Mẫu quả chanh leo được lấy ngẫu nhiên tại 50 hộ để xác định khối lượng của các thành phần của quả chanh leo: vỏ, dịch, hạt chanh leo. Từ kết quả thu được về các thành phần của quả chanh leo, các phương trình hồi quy giữa các thành phần sẽ được xây dựng theo phương pháp Partial least squares dựa trên phần mềm Minitab 16.0. Phương trình ước tính có độ chính xác cao sẽ được lựa chọn để ước tính khối lượng các loại phụ phẩm dựa trên khối lượng chính phẩm.

Phương pháp chế biến, bảo quản : Các công thức ủ chua vỏ chanh leo: CT1: 100% Vỏ chanh leo; CT2: Vỏ chanh leo ủ với 2% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng); CT3: 75% vỏ chanh leo + 20% lõi ngô khô + 5% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng); CT4: 75% vỏ chanh leo + 20% bã mía +5% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng); CT5: 75% vỏ chanh leo + 10% lõi ngô khô + 10% bã mía + 5% rỉ mật (tính theo dạng sử dụng). Trước khi tiến hành phối trộn nguyên liệu để ủ, vỏ chanh leo, lõi ngô và cây ngô chín sáp được phay thái bằng máy có độ dài 1-2cm, sau đó trộn các thành phần theo từng công thức ủ. Nguyên liệu sau trộn được nén chặt theo từng lớp một vào bình nhựa có dung tích 10lít mỗi bình. Mỗi công thức ủ 9 bình (3 lần lặp lại cho 3 khoảng thời gian bảo quản). Thời điểm đánh giá chất lượng thức ăn ủ chua là 30 ngày, 60 ngày và 90 ngày sau ủ.

Phương pháp xác định thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng: Mẫu nguyên liệu và mẫu thức ăn ủ lấy theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN – 2001. Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: VCK, ME, CP, NDF, ADF và ash. VCK, CP và khoáng tổng số được phân tích theo các tiêu chuẩn tương ứng TCVN4326-2007, TCVN-4328-2007, TCVN-4327-2007. NDF và ADF được phân tích theo của Goering và Van Soest (Goering & Van Soest 1970). Giá trị ME được ước tính theo NRC (NRC 2001).

Mẫu thức ăn ủ chua được đo pH theo Hartley và Jones (1978). Các axit hữu cơ (axit lactic, axit axetic, axit butyric) được xác định theo phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC). N-NH3 được xác định theo phương pháp Kjeldahl.

Phương pháp xử lý số liệu: Số liệu được xử lý thống kê mô tả và thống kê so sánh bằng phần mềm Minitab 16, sử dụng phép so sánh cặp đôi Turkey.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Ước tính khối lượng phụ phẩm vỏ chanh leo

Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La (2017), năm 2016, tổng diện tích trồng chanh leo trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 118ha, sản lượng quả đạt 944 tấn, năng suất trung bình đạt 8 tấn quả/ha, đến tháng 6/2019 tổng diện tích chanh leo toàn tỉnh đã lên tới 1940 ha, trong đó, địa phương trồng nhiều nhất là huyện Mộc Châu 670 ha, Vân Hồ 286 ha, Yên Châu 330 ha….

Hiện nay, đã có một số đơn vị đầu tư, liên kết trồng cây chanh leo trên địa bàn tỉnh gồm: Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, HTX Chanh leo Mộc Châu tại tiểu khu 84-85 thị trấn Nông trường Mộc Châu và  HTX nuôi trồng 64, tiểu khu 64 thị trấn Nông trường Mộc Châu. Về tiêu thụ sản phẩm, hiện quả chanh leo đang được Công ty Nafoods Tây Bắc thu mua gần như toàn bộ sản phẩm chanh leo đối với các hộ dân đã ký hợp đồng với công ty. Hàng trăm hộ dân đã thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi vụ từ trông cây chanh leo… đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang loay hoay tìm cây trồng thay thế cây ngô trên đất dốc.

Bảng 1. Diện tích, sản lượng chanh leo trên địa bàn tỉnh

TT  Địa điểm  Năm 2016  Năm 2017  Năm 2018  Năm 2019
S (ha)  SL (tấn) S (ha)  SL (tấn) S (ha)  SL (tấn) S (ha)  SL (tấn)
    1 Thành phố 3 24 9 72 8 14 30 283
    4 Mường La 0 36 288 12 18 15 158
    5 Quỳnh Nhai 0 1 10 54 3 20 188
    6  Mộc Châu 86 688 280 2,240 518 4,923 670 6,700
    7  Vân Hồ 0 49 392 238 2,455 286 3,060
    8  Yên Châu 29 232 58 464 104 436 330 3,465
    9  Mai Sơn 0 30 240 165 1,650 165 1,881
  10  Thuận Châu 0 68 542 87 1,001 187 1,590
  11  Phù Yên 0 40 320 154 380 176 1,672
  12  Sông Mã 0 19 152 22 110 45 495
  13  Sốp Cộp 0 5 40 30 240 16 168
  14 Bắc Yên 12 18 17 179
   Tổng cộng 118 944 595 4,759 1,392 11,230 1,940 19,659

Hình 1. Diện tích, sản lượng chanh leo qua các năm tại tỉnh Sơn La

Trong thời gian tới, các sở, ngành, Ủy ban các huyện, thành phố tiếp tục vận động nhân dân tham gia phát triển chanh leo với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc; tăng cường quản lý giống, hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn; tuyên truyền hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, HTX để làm đầu mối liên kết giữa các hộ nông dân và Công ty Nasfoods Tây Bắc; đồng chí cũng đề nghị Công ty Nasfoods Tây Bắc trên cơ sở phát triển vùng nguyên liệu sớm lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy chế biến và bảo quản từng bước đưa cây chanh leo trở thành sản phẩm nông nghiệp bền vững. Dự kiến năm 2018, diện tích trồng chanh leo đạt 783 ha, sản lượng toàn tỉnh 6.264 tấn quả tươi.

Xây dựng phương trình hồi quy xác định phụ phẩm vỏ chanh leo:

Để xác được phụ phẩm vỏ chanh leo từ quả chanh leo tươi, chúng tôi tiến hành lấy mẫu quả chanh leo tươi, tiến hành phân tách các phần của quả chanh leo, kết quả được trình bày tại bảng 2.

Bảng 2. Kết quả xác định các phần của quả chanh leo

Chỉ tiêu n Mean SD Min Max
KL quả (g) 50 62,36 8,39 39,20 80,70
KL vỏ tươi (g) 50 25,39 3,73 18,80 36,70
Tỷ lệ vỏ tươi (%) 50 41,07 6,01 33,50 67,34
KL dịch (g) 50 23,96 4,90 10,50 30,80
Tỷ lệ dịch (%) 50 38,21 5,20 19,37 48,32
KL hạt (g) 50 11,92 2,73 4,20 17,20
Tỷ lệ hạt (%) 50 18,96 3,03 10,40 24,71
Hao hụt (%) 50 1,76 3,25 0,00 19,81

Kết quả cho thấy quả chanh leo có khối lượng trung bình 62,36 g (dao động từ 39-80g). Trong đó tỷ lệ vỏ tươi trung bình là 25,39g (41,07%, dao động từ 33,5% đến 67,34%; khối lượng hạt đạt trung bình 11,92g (18,96%, dao động từ 10,40 đến 17,20%). Tỷ lệ hao hụt khi chế biến (phân tách) là 1,76%.

Từ các kết quả trên, chúng tôi tiến hành xây dựng phương trình hồi quy dự đoán phụ phẩm (vỏ, hạt) từ chính phẩm (quả tươi). Kết quả trình bày tại các hình 2, 3 và 4.

Hình 2. Hồi quy tuyến tính giữa khối lượng quả tươi và vỏ khô Hình 3. Hồi quy tuyến tính giữa khối lượng quả tươi và vỏ tươi

Hình 4. Hồi quy tuyến tính giữa khối lượng quả tươi và hạt

Kết quả cho thấy, khối lượng phụ phẩm chanh leo (vỏ tươi, vỏ khô và hạt) có thể được tính toán dựa trên khối lượng quả tươi với hệ số xác định cao (R2 = 74,5%; 78,2% và 61,6%, tương ứng với phụ phẩm vỏ tươi, vỏ khô và hạt. Các phương trình chẩn đoán được trình bày tại bảng 3.8.

Bảng 3. Phương trình hồi quy ước tính khối lượng phụ phẩm chanh leo

Phụ phẩm Phương trình R2 (%) P
KL vỏ tươi KL vỏ tươi (g) = 0,436 x KL quả tươi (g) – 2,643 74,5 <0,001
KL vỏ khô KL vỏ khô (g) = 0.073 x KL quả tươi (g) – 0,522 78,2 <0,001
KL hạt KL hạt (g) = 0.254 x KL quả tươi (g) – 3,979 61,6 <0,001

            Ước tính khối lượng phụ phẩm chanh leo trên địa bàn tỉnh Sơn La:

Kết quả ước tính khối lượng phụ phẩm chanh leo trên địa bàn tỉnh Sơn La được trình bày tại bảng 4. Kết quả cho thấy, khối lượng vỏ chanh leo năm 2019 trên địa bàn tỉnh có thể lên tới 8542 tấn, vỏ khô 1529tấn, đặc biệt sản lượng hạt tươi có thể đạt 4950 tấn.

 

Bảng 4. Dự kiến khối lượng phụ phẩm chanh leo

ĐVT: tấn

TT  Địa điểm  Năm 2017  Năm 2018  Năm 2019
Vỏ tươi Vỏ khô Hạt Vỏ tươi Vỏ khô Hạt Vỏ tươi Vỏ khô Hạt
    1 Thành phố 29 5 14 3 1 121 20 68
    4 Mường La 123 21 69 66 11 36
    5 Quỳnh Nhai 2 0.2 79 13 44
    6  Mộc Châu 974 163 565 2,144 359 1,246 2,919 489 1,698
    7  Vân Hồ 168 28 96 1,068 179 620 1,332 223 773
    8  Yên Châu 200 33 114 187 31 107 1,508 252 876
    9  Mai Sơn 102 17 57 717 120 415 817 137 474
  10  Thuận Châu 233 39 134 434 73 250 690 116 400
  11  Phù Yên 137 23 77 163 27 93 726 122 421
  12  Sông Mã 64 11 35 45 8 24 213 36 122
  13  Sốp Cộp 15 2 6 102 17 57 71 12 39
  14 Bắc Yên 75 13 41
   Tổng cộng 2,046 342 1,167 4,863 814 2,811 8,542 1,429 4,950

Chiến lược của tỉnh đến năm 2021 tiến hành trồng 5000 ha chanh leo, tương đương khoảng 40.000 tấn quả sẽ cho ra số lượng phụ phẩm là 17.437 tấn vỏ tươi (2.919 tấn vỏ khô). Đây là nguồn phụ phẩm chất lượng, cần phải có giải pháp để thu gom, chế biến làm thức ăn gia súc, đồng thời tránh gây ô nhiễm môi trường.

Thành phần hoá học và giá trị năng lượng của các nguyên liệu ủ chua

            Kết quả thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của từng nguyên liệu trước khi ủ chua được trình bày tại Bảng 5.

Bảng 5. Thành phần hoá học và giá trị dinh dưỡng của các nguyên liệu

Nguyên liệu CK

(%)

% tính theo CK ME

(Mj/kg CK)

Protein thô Xơ thô Lipid KTS DXKN
Vỏ quả chanh leo 16,37 14,11 29,83 0,98 7,55 47,53 7,98
Lõi ngô khô 91,88 2,57 35,33 0,22 1,62 60,26 7,95
Bã mía 64,75 2,70 36,71 0,2 2,06 58,33 8,37
Rỉ mật 78,00 11 0 0 7,50 81,50 11,63

Ghi chú: CK: Chất khô, KTS: Khoáng tổng số, DXKN: Dẫn xuất không nitơ; ME: Năng lượng trao đổi.

            Qua bảng 5, cho thấy vỏ quả chanh leo có hàm lượng chất khô thấp, các nguyên liệu phối trộn khác có hàm lượng chất khô cao. Vì thế, mục tiêu phối trộn nhằm giảm độ ẩm khối ủ để phù hợp với quá trình lên men vi sinh vật trong khối ủ. Bùi Quang Tuấn và cộng sự (2012) đã nghiên cứu và cho thấy rằng vật chất khô nguyên liệu dao động 25-40% là phù hợp cho khối ủ. Như vậy, mặc dù vỏ quả chanh leo có hàm lượng dẫn xuất không nitơ trong chất khô cao là 47,53% nhưng do chất khô quá thấp là 16,37% nên khó sử dụng làm nguyên liệu ủ chua tốt nếu như không trộn thêm các nguyên liệu chất khô khác.

Hàm lượng đạm thô trong CK tương đối cao là 14,11%, tương đương với cỏ hoà thảo nên đây là nguồn thức ăn thô tốt cho gia súc nhai lại. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát thấy bò không ăn hoặc ăn ít vỏ quả chanh leo ở dạng tươi chưa qua chế biến.

Chất lượng cảm quan của thức ăn ủ chua

Kết quả đánh giá chất lượng cảm quan (Bảng 6) cho thấy, sau khi ủ 30 ngày, thức ăn ủ chua ở tất cả các công thức đều có màu vàng nâu nhạt, thức ăn mềm có mùi chua nhẹ và không bị mốc. Riêng công thức ủ với 20% bã mía có mùi rượu nhẹ, đồng thời trong thức ăn ủ chua có các mẩu giăm bã mía cứng từ vỏ cây mía.

Bảng 6. Chất lượng cảm quản của thức ăn ủ chua

Công thức Chỉ tiêu theo dõi 30 ngày 60 ngày 90 ngày
CT1 Màu sắc Vàng nâu nhạt Vàng nâu hơi thâm Vàng nâu sẫm
Mùi, trạng thái Chua nhẹ, thức ăn mềm Chua, thức ăn mềm, hơi nát Chua, thức ăn mềm, hơi nát
Độ mốc + ++
CT2

 

Màu sắc Vàng nâu nhạt Vàng nâu hơi thẫm Vàng nâu sẫm
Mùi, trạng thái Chua nhẹ, thức ăn mềm Chua, thức ăn mềm, hơi nát Chua, thức ăn mềm, hơi nát
Độ mốc + +
CT3

 

Màu sắc Vàng nâu nhạt Vàng nâu Vàng nâu
Mùi, trạng thái Chua nhẹ, thức ăn mềm Chua, thức ăn mềm Chua, thức ăn mềm
Độ mốc + +
CT4

 

Màu sắc Vàng nâu nhạt Vàng nâu Vàng nâu
Mùi, trạng thái Mùi rượu, chua nhẹ, thức ăn mềm Chua, thức ăn mềm Chua, thức ăn mềm
Độ mốc + +
CT5 Màu sắc Vàng nâu nhạt Vàng nâu Vàng nâu
Mùi, trạng thái Chua nhẹ, thức ăn mềm Chua, thức ăn mềm Chua, thức ăn mềm
Độ mốc + +

Ghi chú: CT1 (Vỏ chanh leo); CT2 (Vỏ chanh leo + 2% rỉ mật); CT3 (75% vỏ chanh leo + 20% lõi ngô khô + 5% rỉ mật), CT4 (75% vỏ chanh leo + 20% bã mía + 5% rỉ mật), CT5 (75% vỏ chanh leo + 10% lõi ngô khô + 10% bã mía + 5% rỉ mật); – : không mốc; + : mốc 1/3 diện tích bề mặt; ++ : mốc 2/3 diện tích bề mặt; +++ : mốc toàn bộ diện tích bề mặt.

Khi ủ tới 60 và 90 ngày thì thức ăn chuyển sang màu vàng nâu đậm hơn, mềm, có mùi chua nhẹ và xuất hiện mốc trên 1/3 bề mặt. Đặc biệt, ở công thức ủ chỉ có vỏ chanh leo (CT1) hay vỏ chanh leo và 2% rỉ mật (CT2) thì sản phẩm trở nên chua, mềm nhũn và hơi nát thể hiện chất lượng kém. Điều này có thể hiểu là do hàm lượng chất khô trong khối ủ quá thấp. Như vậy, thức ăn ủ chua ở hai công thức này không thể bảo quản được lâu dài. Các công thức có sử dụng thêm 20% bã mía và/hay lõi ngô cùng với 5% rỉ mật để tăng hàm lượng chất khô và nguyên liệu dễ lên men cho khối ủ thì cho kết quả cảm quan tốt hơn, có dấu hiệu tho thấy thức ăn ủ chua có thể bảo quản được ổn định lâu dài.

Thành phần hoá học và pH của thức ăn ủ chua

            Để đánh giá chất lượng một thức ăn ủ chua tốt chúng tôi phân tích trong phòng thí nghiệm các thành phần dinh dưỡng của các công thức ủ; kết quả được trình bày ở bảng 7.

Bảng 7 cho thấy biến động thành phần hoá học và pH của thức ăn ủ chua theo các công thức và thời gian ủ khác nhau. Chất khô của thức ăn trong CT1 và CT2 tương đối thấp lần lượt là 14,6 và 16,2%. Đó là nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến chất lượng thức ăn ủ chua (Muck và cộng sự, 1988). Do có lõi ngô khô và bã mía bổ sung thêm nên chất khô ở CT3, CT4 và CT5 đã đạt mức thích hợp cho ủ chua.

            Giá trị pH và hàm lượng các axit hữu cơ cho thấy ở tất cả các công thức quá trình lên men đã ổn dịnh sau 1 tháng ủ chua (pH <4,2). Tuy nhiên, CT3, CT4 và CT5 có các chỉ tiêu này tốt hơn, cho phép bảo quản được thời gian dài (3 tháng) vẫn giữ được chất lượng thức ăn ủ chua tốt.

Bảng 7. Thành phần hoá học và pH của thức ăn ủ chua

Thời gian

(ngày)

Công

thức

CK

(g/kg)

pH Pr. thô

(g/kg CK)

N-NH3

(g/kg NTS)

Axit

Lactic

(%)

Axit

Axetic

(%)

Axit

butyric

(%)

 

0

CT1 149,6 6,36 141,10
CT2 162,2 6,41 138,11
CT3 335,0 6,42 74,17
CT4 257,1 6,40 89,34
CT5 295,8 6,38 80,81
 

30

CT1 144,7 4,18 138,24 66,78 76,84 24,76 1,38
CT2 157,2 4,06 134,44 62,30 84,88 25,72 1,22
CT3 330,5 4,18 70,68 63,94 90,26 24,83 0,98
CT4 253,2 4,20 86,22 64,48 92,74 25,18 0,84
CT5 290,8 4,18 78,08 64,86 92,08 24,76 0,82
60 CT1 141,6 3,98 135,46 70,44 77,76 25,12 1,38
CT2 154,1 3,84 130,68 62,57 87,12 24,78 1,34
CT3 328,2 3,93 68,46 66,23 94,14 25,56 0,81
CT4 250,5 3,88 83,42 69,38 95,79 25,38 0,78
CT5 288,8 3,96 75,24 68,25 96,11 24,88 0,84
90 CT1 138,2 3,95 134,54 73,54 77,80 24,58 1,36
CT2 150,4 3,88 130,14 64,39 86,82 24,70 1,41
CT3 324,2 3,90 64,46 70,86 94,00 25,28 0,92
CT4 248,5 3,84 80,38 75,77 94,44 24,77 0,96
CT5 285,4 3,97 74,12 73,89 95,00 24,80 0,98

Như vậy, ủ chua vỏ chanh leo với cùng với 20% lõi ngô khô và 5% rỉ mật hay 10% lõi ngô khô + 10% bã mía + 5% rỉ mật đều cho kết qủa tốt theo đánh giá cảm quan, pH cũng như các chỉ tiêu phân tích hoá học. Cả 2 công thức này có thể sử dụng cho các nghiên cứu tiếp theo trên gia súc.

 

KẾT LUẬN

  • Khối lượng vỏ chanh leo năm 2019 trên địa bàn tỉnh ước tính lên tới 8.542 tấn, vỏ khô 1.529 tấn, đặc biệt sản lượng hạt tươi có thể đạt 4.950 tấn.
  • Vỏ quả chanh leo có hàm lượng chất khô thấp, protein thô tương đối cao, có thể sử dụng như nguồn cung cấp thức ăn cho gia súc nhai lại.
  • Ủ chua vỏ chanh leo kết hợp với 20% lõi ngô khô và/hay bã mía khô và 5% cho phép bảo quản được lâu dài (ít nhất 90 ngày) để làm thức ăn cho gia súc nhai lại.

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tiếng Việt

Công ty Nafood Tây Bắc (2019). Báo cáo kết quả năm Công ty Nafood Tây Bắc 2019.

Bùi Quang Tuấn, Nguyễn Bách Việt, Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Thị Huyền (2012). Giáo trình Cây thức ăn chăn nuôi. NXB Đại học Nông nghiệp Hà Nội, trang 153-187.

Bùi Quang Tuấn (2006). “Ủ chua cây ngô sau thu bắp già làm thức ăn cho bò sữa tại Đan Phượng, Hà Tây” Tạp chí Chăn nuôi – số 9/2006, Tr.32-36.TCVN 4325:2007 ‘Tiêu chuẩn Việt Nam thức ăn chăn nuôi – lấy mẫu’.

Sở NN&PTNT Sơn La (2019). Báo cáo tổng kết năm nông nghiệp tỉnh Sơn La 2018, đầu năm 2019.

TCVN 4326:2001 ‘Tiêu chuẩn Việt nam thức ăn chăn nuôi – Xác định độ ẩm và hàm lượng các chất bay hơi khác’.

TCVN 4327:2007 ‘Tiêu chuẩn Việt Nam thức ăn chăn nuôi – Xác định tro thô’.

TCVN 4328:2007 ‘Tiêu chuẩn Việt Nam thức ăn chăn nuôi – xác định hàm lượng nitơ và tính hàm lượng protein thô’.

TCVN 4329:2007 ‘Tiêu chuẩn Việt Nam thức ăn chăn nuôi – Xác định hàm lượng xơ thô, phương pháp có lọc trung gian’.

TCVN 4331:2001 ‘Tiêu chuẩn Việt Nam thức ăn chăn nuôi – xác định hàm lượng chất béo’.

TCVN 5860 :2007 ‘sữa và sản phẩm sữa – lấy mẫu và phân tích’

TCVN 6952:2001 ‘Tiêu chuẩn Việt Nam thức ăn chăn nuôi – chuẩn bị mẫu thử’.

Tiếng Anh

Alves G.R., C.A. Fontes, E.F. Processi, A.M. Fernandes, T. Silva de Oliveira, L.S. Glória (2015). Performance and digestibility of steers fed by-product of fresh passion fruit or sorghum silage, with and without concentrate supplementation. R. Bras. Zootec. 44(9): 314-320

Harley, R.D & Jones, E. (1978). Effect of queous ammonia and other alkalis on the in – vitro digestibility of barley straw. Journal of Science of Food and Agriculture 29(2): 92-98

Sena J.A.B, S.D.J. Villela, I.G. Pereira, G.H.F. Castro, M.H.F. Mourthe, C.S. Bonfa (2015). Intake, digestibility, microbial protein production, and nitrogen balance of lambs fed with sorghum silage partially replaced with dehydrated fruit by-products. Small Ruminant Research 129:18-24.

Thạc sỹ: Lê Văn Hà

Trả lời