1. Triệu chứng gây hại

Bệnh hại lá, cành, đỉnh sinh trưởng, hoa, nụ hoa, cây con, bệnh nặng làm hoa khô và lá rụng. Khi cây bị bệnh, nụ hoa thường không nở được, nụ bị gãy gục xuống, hoa khô cháy. Trên bộ phận bị bệnh xuất hiện lớp mốc xám bao phủ.

Hình 1. Hoa hồng bị bệnh mốc xám Botrytis cinerea

  1. Nguyên nhân

Bệnh do nấm Botrytis cinerea nấm gây bệnh, gây bệnh trên nhiều loại cây trồng: cây cảnh , cây rau và cây ăn quả. Sự nảy mầm của bào tử và hạch nấm có thể hình thành sợi trực tiếp từ đó sinh ra bào tử phân sinh và trong trường hợp đặc biệt xâm nhiễm bằng sợi nấm. Trong một số trường hợp hạch nấm Botrytis cinerea nảy mầm và sinh ra bào tử hậu và bào tử túi.

  1. Đặc điểm phát sinh phát triển

Hạch nấm là dạng bảo tồn chủ yếu của nấm trên đồng ruộng mặc dù bào tử phân sinh có thể tồn tại nhiệt độ từ 4-54 oC. Nấm có thể tồn tại trên tàn dư cây bệnh trong đất hoặc ở trên cây ký chủ. Nấm Botrytis cinerea xâm nhiễm thuận lợi trong điều kiện mát mẻ có mưa vào mùa xuân và mùa đông với nhiệt độ khoảng 15 oC. Bệnh gây hại mạnh khi có mưa hoặc mưa phùn liên tục trong vài ngày.

Tại các vườn trồng hoa hồng tại Sơn La, bệnh xuất hiện gây hại chủ yếu từ tháng 1 đến tháng 3 và tháng 9 đến tháng 12, các tháng còn lại trong năm hầu như không bắt gặp xuất hiện triệu chứng. Bệnh xuất hiện vào cuối mùa thu và tăng dần vào mùa đông, sang mùa xuân và đầu hè bệnh giảm rõ ràng.  Chỉ số bệnh đạt đỉnh cao ở các thời điểm ngày 31/1 (16,89%), 7/11 (22,67%), 26/12 (17,11%) (Hình 2). Tại thành phố Sơn La, thời tiết tháng 1 đến tháng 3 và tháng 9 đến tháng 12 với nhiệt độ trung bình khoảng 14-19 oC thuận lợi cho nấm B. cinerea phát triển xâm nhiễm gây hại cây hoa hồng. Đặc biệt trong khoảng tháng 1 đến tháng 4 và cuối tháng 11 đến tháng 12 các nhà vườn hầu như không sử dụng thuốc trừ bệnh trên cây hoa hồng vì không phải là vụ hoa chính, nên bệnh mốc xám B. cinerea  phát sinh gây hại nhiều. Việc các nhà vườn cắt tỉa bỏ các nụ, chồi hoa trong giai đoạn không thu hoạch hoa cũng ảnh hưởng đến diễn biến chỉ số hại trên đồng ruộng

Hình 2. Diễn biến bệnh mốc xám Botrytis cinerea hại trên cây hoa hồng (Sơn La, 2021)

  1. Biện pháp phòng trừ

Để phòng trừ bệnh nên cắt bỏ cành lá bị bệnh đem tiêu hủy. Sử dụng thuốc hoá học chứa chlorothalonil, manconeb, kalibicarbonate, thiophante-methyl có thể giúp ngăn cản bệnh. Các loại thuốc có hiệu quả ức chế sự phát triển của nấm Botrytis cinerea: metomeclan, dichlofluanid, myclozolin, polyoxin D, prochloraz và iprodione. Điều kiện 10 °C, các loại thuốc diệt nấm hiệu quả nhất chống lại bệnh mốc xám của hoa hồng là polyoxin , chlorothalonil (Da Silva Tatagiba et al., 1998). Thuốc  Boocdo 1% hoặc Zineb 0,2%, Kasuran, Daconil phun theo định kỳ 7 ngày/lần có hiệu quả phòng trừ bệnh (Dương Công Kiên, 1999).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Dương Công Kiên. 1999. Kỹ thuật trồng và nhân giống cây hao hồng. Nhà xuất bản Nông nghiệp – Hà Nội.
  2. Nguyễn Xuân Linh. 2000. Kỹ thuật trồng hoa. Nhà xuất bản Nông nghiệp – Hà Nội.
  3. Nguyễn Thị Kim Lý, Lê Đức Thảo, Nguyễn Xuân Linh. 2012. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa hồng. Nhà xuất bản Nông nghiệp – Hà Nội.
  4.  Trần Văn Mão, Nguyễn ThanhNhã. 2001. Phòng trừ sâu bệnh hại cây cảnh. Nhà xuất bản Nông nghiệp – Hà Nội.
  5.  Da Silva Tatagiba J, Maffia LA, Barreto RW, Alfenas AC, Sutton JC. 1998. Biological control of Botrytis cinerea in residues and flowers of rose (Rosa hybrida). Phytoparasitica 26(1):8-19.
  6.  Elad Y. 1988. Latent infection of Botrytis cinerea in rose flowers and combined chemical and physiological control of the disease. Crop Protection 7(6):361-366.

            Tác giả: TS. Hoàng Văn Thảnh

Trả lời