Ngày 16/6/2021, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Tây Bắc (TBU) đã họp chuẩn bị tổng kết các hoạt động hợp tác giữa hai trường giai đoạn 1 (2018 – 2021) và lập kế hoạch triển khai các hoạt động hợp tác giai đoạn 2 (2021 – 2022). Tham gia buổi làm việc có TS. Đoàn Đức Lân – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Tây Bắc – chủ trì cuộc họp, đại diện Trung tâm Nghiên cứu khoa học và CGCN, các thành viên nhóm nghiên cứu. Về phía Trường Đại học Southern Cross – Úc (SCU) có Ông Lò Minh Đức – Điều phối dự án phía SCU. Đúng tròn 4 năm kể từ ngày ký kết thỏa thuận hợp tác (16/6/2017 – 16/6/2021), kết quả hoạt động hợp tác giữa TBU và SCU đã đạt được những thành quả nhất định:
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa hai trường ngày 16/6/2017 tại TBU
Về hợp tác nghiên cứu: TBU đã phối hợp với các chuyên gia SCU xây dựng và thiết lập được mô hình nông lâm kết hợp (NLKH) tại bản Nong Sàng, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu, trong đó có 02 nội dung nghiên cứu chính, gồm thử nghiệm mô hình NLKH và thí nghiệm đánh giá khả năng hạn chế xói mòn của mô hình NLKH. Sau 4 năm, đã có 15 sinh viên Khoa Nông Lâm (TBU) tham gia các hoạt động nghiên cứu, kết hợp thực hiện thành công chuyên đề tốt nghiệp, khóa luận tốt nghiệp từ kết quả hợp tác nghiên cứu giữa hai trường. Về sản phẩm khoa học khác, đã có 01 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở được thực hiện, 01 sổ tay NLKH và 01 tài liệu tham khảo về NLKH được xây dựng, 01 bài báo khoa học công bố trên tạp chí Trường Đại học Tây Bắc từ kết quả hợp tác nghiên cứu giữa hai trường.
TS. Đoàn Đức Lân, GS. Doland John Nichols (SCU) và đoàn công tác thăm thực địa tại xã Chiềng Ngần – TP. Sơn La, năm 2018
Về hợp tác đào tạo: TBU đã cử 01 giảng viên sang học thạc sĩ tại SCU; TBU cũng đã tổ chức 02 đợt tập huấn, tham quan học tập cho 23 học viên cao học và sinh viên SCU, 18 sinh viên TBU, thu thập số liệu mô hình tại Bó Mười, thăm Khu Bảo tồn Thiên nhiên Mường La, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Tây Bắc; tổ chức thành công hai khóa tập huấn ngắn hạn chia sẻ kinh nghiệm viết bài báo đăng tạp chí quốc tế và xử lý số liệu nghiên cứu trên phần mềm R cho giảng viên và sinh viên TBU; tổ chức thành công một số seminar chia sẻ kết quả nghiên cứu của TBU và SCU về nông lâm kết hợp, tài nguyên môi trường.
Giảng viên Nguyễn Hoàng Phương (TBU) hướng dẫn học viên SCU đo số liệu xói mòn đất tại mô hình tại bản Nong Sàng – Bó Mười – Thuận Châu, tháng 11/2019
Cuộc họp cũng đã trao đổi, thảo luận kế hoạch thực hiện dự án hợp tác giai đoạn 2 – Dự án Bảo tồn, phục hồi các loài cây quý hiếm gắn với tạo sinh kế cho người dân tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Mường La, với tài trợ của ACIAR. Dự án gồm 3 mục tiêu chính: Đánh giá thị trường và tiềm năng kinh tế để nông dân hợp tác sản xuất giống cây bản địa; phát triển sản xuất giống cây ăn quả và cây lấy gỗ phù hợp với nông dân; nâng cao kiến thức về lâm sinh để quản lý tài nguyên rừng bền vững các loài gỗ đã chọn thông qua thí nghiệm. Trong đó, ưu tiên thuần hóa các loài thực vật quý hiếm có giá trị cao như Pơ mu, Bách xanh, Vù hương, Du sam, Sến mật, Đỉnh tùng… Dự án sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 1,5 năm (7/2020 – 12/2021).
Tổng kết cuộc họp, TS. Đoàn Đức Lân đánh giá cao thành quả hợp tác giữa hai trường trong giai đoạn 1 – mối quan hệ được khởi nguồn từ những hợp tác, trao đổi với ACIAR và Chương trình Aus4Skills – và tin tưởng rằng mối quan hệ này sẽ ngày càng phát triển, tạo sự gắn bó hơn nữa giữa hai trường trong đào tạo và nghiên cứu và các hoạt động hợp tác khác. TS. Lân cũng lưu ý để chuẩn bị cho Hội nghị tổng kết giai đoạn 1, cần chú ý chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, thiết bị, nên tổ chức hội nghị trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng dịch Covid – 19 và sự tham gia của các đối tác; cần có đánh giá phản hồi, sự quan tâm của người dân, cán bộ địa phương nơi triển khai dự án về kỹ thuật canh tác, hiệu quả, khả năng nhân rộng mô hình nông lâm kết hợp. Triển khai dự án giai đoạn 2 cần phát huy sự tham gia của nhiều đối tác như viện, trung tâm nghiên cứu, chính quyền địa phương, người dân khu vực nghiên cứu, sinh viên.
Tác giả: TS. Vũ Đức Toàn – Bộ môn QLTN&MT