Người nắm giữ chức vụ trong một tổ chức, một cộng đồng hay trong một nhóm, chúng ta thường nói họ là nhà quản lý và cũng là nhà lãnh đạo. Khi chưa hiểu bản chất thì Lãnh đạo và quản lý là hai khái niệm dễ gây nhầm lẫn. Có thể cho rằng chúng là một hoặc gần nghĩa với nhau vì đều muốn nói đến công việc, hay vai trò của người đứng đầu, tuy nhiên giữa chúng có sự khác biệt rất rõ ràng.

“On becoming a Leader” là cuốn sách lôi cuốn, sống động được Warren Bennis tổng hợp và viết dựa trên nhiều cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo tài năng về chủ đề lãnh đạo. Cuốn sách đưa ra hai luận điểm quan trọng. Thứ nhất, kỹ năng lãnh đạo không phải tự nhiên sinh ra là có, mà kỹ năng lãnh đạo được hình thành trong quá trình con người trải nghiệm cuộc sống và trưởng thành. Thứ hai, hành trình trở thành nhà lãnh đạo đồng nghĩa với việc trở thành chính mình, tìm hiểu và khám phá những giá trị sâu thẳm trong con người và thể hiện ra bên ngoài. Chỉ khi chúng ta hiểu ra mình cần gì, muốn gì, có thể đóng góp gì cho xã hội, chúng ta mới cảm thấy việc làm có ý nghĩa và cống hiến với tất cả tâm huyết bên trong mình. Khi đó, những người xung quanh sẽ tin tưởng vào chính chúng ta và đi theo sự dẫn dắt của chúng ta với vai trò là người lãnh đạo. Đó chính là mấu chốt của lãnh đạo.

* Sự khác biệt giữa Nhà lãnh đạo và Nhà quản lý

+ Nhà lãnh đạo đưa ra tầm nhìn, nhà quản lý đưa ra mục tiêu:

Các nhà lãnh đạo vẽ một bức tranh tổng thể và truyền cảm hứng cho cấp dưới của họ chung tay biến bức tranh đó thành hiện thực. Họ nghĩ ra và đưa những ý tưởng mới vào kế hoạch và không ngừng phát triển các chiến lược và chiến thuật mới.

Trong khi đó, các nhà quản lý tập trung vào việc thiết lập, đo lường và đạt được mục tiêu. Họ kiểm soát các tình huống để mọi thứ được duy trì và vận hành theo đúng kế hoạch.

+ Nhà Lãnh đạo là tác nhân thay đổi và phát triển, nhà quản lý duy trì hiện trạng

Các nhà lãnh đạo là những người luôn tìm kiếm sự đổi mới. Họ chấp nhận thay đổi ngay cả khi biết rằng mọi thứ đang hoạt động bình thường trong trường hợp họ cho rằng đã tìm ra một cách thức mới đem lại hiệu quả tốt hơn. Họ sẵn sàng đối mặt với thực tế rằng những thay đổi thường sẽ tạo ra sóng ngầm bất ổn trong bộ máy tổ chức.

Các nhà quản lý luôn tận tụy, gắn bó với những gì đang hoạt động. Họ lựa chọn tinh chỉnh hệ thống, cấu trúc và quy trình để làm cho hệ thống đạt hiệu quả cao hơn.

+ Nhà Lãnh đạo là người của chính họ, quản lý là học hỏi

Các nhà lãnh đạo sẵn sàng là chính mình. Họ tự nhận thức và làm việc tích cực để xây dựng thương hiệu cá nhân độc đáo, khác biệt của họ. Các nhà lãnh đạo luôn thoải mái với phong cách của riêng mình và sẵn sàng nổi bật. Họ là những người trung thực và minh bạch.

Các nhà quản lý học hỏi những khả năng và kỹ năng quản lý của mình thông qua những kinh nghiệm công việc hoặc từ người khác. Họ thiên về học hỏi để làm nên phong cách lãnh đạo của bản thân hơn là tự xác lập và sáng tạo.

+ Nhà Lãnh đạo chấp nhận rủi ro, nhà quản lý kiểm soát rủi ro

Các nhà lãnh đạo sẵn sàng đương đầu với những điều mới ngay cả khi họ có thể thất bại thảm hại. Họ biết rằng càng có rủi ro thì cơ hội sẽ càng lớn; và thất bại sẽ là một bước trên con đường dẫn đến thành công.

Các nhà quản lý làm việc để giảm thiểu rủi ro hay những tình huống ngoài ý muốn. Họ luôn tìm cách né tránh, kiểm soát các vấn đề này hơn là mạo hiểm vào những thứ không an toàn.

+ Nhà lãnh đạo có tầm nhìn rộng, nhà quản lý kiểm soát ngắn hạn

Các nhà lãnh đạo luôn có tầm nhìn xa. Họ làm những gì họ nói và hướng tới một mục tiêu lớn trong một tương lai xa. Các nhà lãnh đạo có thể làm việc để hướng tới mục tiêu này với một động lực cháy bỏng mà không cần nhận được bất cứ phần thưởng nào ngoài chạm tới đích đến.

Các nhà quản lý làm việc dựa trên các mục tiêu ngắn hạn. Họ luôn giám sát, kiểm tra quá trình và tìm kiếm những sự công nhận cùng các phần thưởng từ cấp trên hoặc từ hiệu quả thực tế.

+ Nhà lãnh đạo mở rộng, phát triển cá nhân; nhà quản lý phát triển, hoàn thiện kỹ năng hiện có

Các nhà lãnh đạo biết nếu họ không học được điều gì mới mỗi ngày, họ sẽ đứng yên và bị tụt lại phía sau. Họ luôn tò mò và tìm cách nắm bắt những thứ mới mẻ trong  một môi trường làm việc luôn thay đổi.

Các nhà quản lý thường tìm cách phát triển từ những gì đã khiến họ thành công; hoàn thiện các kỹ năng hiện có và áp dụng những phương pháp đã được chứng minh qua các kiến thức, kinh nghiệm mà họ đã trải qua.

+ Nhà Lãnh đạo củng cố niềm tin, nhà quản lý giám sát và dẫn dắt về mặt công việc

Lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho nhân viên. Nếu mọi người hào hứng với ý tưởng của bạn thì đó chính là bởi họ đã được bạn truyền “lửa” và niềm tin.

Nhà quản lý, họ có nhiệm vụ duy trì kiểm soát đối với nhân viên để nhân viên phát huy khả năng lớn nhất nhằm tạo ra sản phẩm và tăng lợi nhuận cho đơn vị.

+ Nhà lãnh đạo huấn luyện, nhà quản lý hướng dẫn trực tiếp

Các nhà lãnh đạo hiểu và luôn tin tưởng vào năng lực làm việc của nhân viên, tạo điều kiện cho cấp dưới của mình tự do phát triển. Các nhà lãnh đạo không nói cho nhân viên của mình phải làm gì và làm như thế nào cho đến khi họ thấy thực sự cần thiết.

Nhà quản lý luôn phân công nhiệm vụ theo từng bước và cung cấp hướng dẫn về cách hoàn thành chúng cho đội ngũ của mình.

+ Nhà Lãnh đạo hỏi “Cái gì và tại sao”, quản lý hỏi “Như thế nào và bao giờ”

Nhà lãnh đạo sẽ là người đặt ra câu hỏi: “Chúng ta học được gì từ sai lầm này?” và “Tại sao trong kế hoạch ban đầu không cân nhắc đến trường hợp này?” khi có sai lầm xảy ra tại đơn vị.

Nhà quản lý thì lại không chú trọng vào những sai lầm, họ hỏi “như thế nào” và “bao giờ” để đảm bảo kế hoạch sẽ được thực hiện như dự định.

Hãy mài dũa “tiếng nói bên trong”, nuôi dưỡng một niềm đam mê cho những gì chúng ta làm, và xây dựng lòng tin với những người đồng hành với mình là con đường trong “Hành trình trở thành nhà lãnh đạo”.

 

ThS. Hoàng Thị Thanh Hà, Bộ môn Nông học, Khoa Nông – Lâm

Trả lời