Chiều ngày 10/11, tại Khoa Nông Lâm – Trường Đại học Tây Bắc đã diễn ra buổi seminar chia sẻ các kết quả hoạt động của các dự án gồm: Dự án Cải thiện các hệ thống canh tác có ngô trên đất dốc tại Việt Nam và Lào (Mã số: SMCN/2014/049 – Dự án Ngô 2) và dự án: Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác đất dốc vùng núi Tây Bắc Việt Nam (Mã số: LPS/2015/037 – Dự án Bò thịt 2).
Tham dự hội nghị có Thầy giáo TS. Đoàn Đức Lân – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường, TS. Nguyễn Văn Khoa – Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp bền vững, phó Trưởng khoa Nông Lâm, các Thầy, Cô giáo bộ môn Nông học và Chăn nuôi thú y cùng các sinh viên ngành Chăn nuôi, Nông học và Bảo vệ thực vật. Hội nghị đã được nghe 02 báo cáo kết quả thực hiện dự án do Thầy giáo Nguyễn Hoàng Phương – Báo cáo kết quả dự án Ngô 2 và Thầy Hồ Văn Trọng – Báo cáo kết quả dự án Bò thịt 2.
Dự án Ngô 2 được thực hiện từ năm 2018 – 2022 tại Việt Nam và Lào. Trường Đại học Tây Bắc đã cử các giảng viên, sinh viên tham gia thực hiện các thí nghiệm đồng ruộng tại Mai Sơn, Yên Châu và Vân Hồ. Sau 4 năm thực hiện dự án đã có 13 sinh viên các ngành Nông học, Quản lý tài nguyên và môi trường (gồm 5 sinh viên Lào và 8 sinh viên Việt Nam) tham gia thực hiện khóa luận tốt nghiệp về các nội dung nhằm thực hiện mục tiêu đẩy mạnh việc chấp nhận các hệ thống canh tác có ngô đa dạng để giảm thoái hóa đất trong khi vẫn nâng cao khả năng kinh tế và sinh kế của hộ nông dân nhỏ trên vùng đất dốc miền núi phía Bắc Việt Nam và Lào. Kết quả thực hiện các thí nghiệm cho thấy biện pháp canh tác có tác động tích cực đến năng suất ngô, trong các công thức đã chọn, công thức trồng xen Đậu nho nhe với ngô cho năng suất ổn định nhất so với các công thức khác. Băng kiểm soát cỏ dại guinea và pinto có năng suất khác biệt so với công thức đối chứng. Tuy nhiên, phần quan trọng là nên tiến hành che phủ vào đầu vụ khi đất chưa được phủ lá ngô, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: vật liệu phủ, kết cấu đất, độ dốc và cường độ mưa ảnh hưởng đến hệ thống canh tác. Lợi nhuận mang lại khi trồng xen đậu nho nhe với ngô đạt từ 56,5 – 69,5 triệu đồng/ha. Đồng thời với các hoạt động thí nghiệm, Trung tâm Nông nghiệp bền vững đã tiến hành 2 lớp tập huấn cho 45 sinh viên Lào đang theo học tại Khoa Nông Lâm trong năm 2021.
Dự án Bò thịt 2 được thực hiện từ năm 2018 – 2022 tại các tỉnh Điện Biên và Sơn La. Trường Đại học Tây Bắc đã cử 03 giảng viên và 13 sinh viên ngành Chăn nuôi (12 sinh viên) và Nông học (1 sinh viên) tham gia các hoạt động của dự án với mục tiêu phát triển các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và thực hành nhằm hỗ trợ các hệ thống chăn nuôi kết hợp trồng trọt mức thâm canh cao hơn.
Hình 1: ThS. Hồ Văn Trọng chia sẻ các kết quả dự án Bò thịt pha 2
Dự án đã Tập huấn ủ chua thức ăn cho các hộ dân bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho các hộ dân tại Tuần Giáo, Điện Biên. Phối hợp với dự án ngô tập huấn chế biến thức ăn cho 40 học viên tại Sơn La. Đồng thời, các giảng viên của Trường còn tham gia tổ chức hội nghị lựa chọn các các hộ dân và kịch bản can thiệp phù hợp (trồng cây TA và thử nghiệp TA trên bò thịt); Tổ chức cho các hộ dân thăm quan mô hình chăn nuôi ở Đắk Lắc năm 2018; Phối hợp với Dự án Ngô khảo sát tình hình chăn nuôi và trồng cây thức ăn ở tỉnh Hủa phăn, Lào tháng 1/2019; Phối hợp với Dự án Ngô trồng cỏ Ghine tại Trung tâm giống vật nuôi, cây trồng và khuyến nông để triển khai thí nghiệm bê sinh trưởng.
Phát biểu tại buổi seminar TS. Đoàn Đức Lân đã trao đổi về việc nhân rộng các kết quả sau khi các dự án kết thúc để có thể tăng tính bền vững của dự án. Vấn đề người dân, cán bộ và sinh viên sau khi tham gia dự án có tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được hay không? Công bố các kết quả nghiên cứu và các tài liệu kỹ thuật sau khi dự án kết thúc như thế nào để nhân rộng hiệu quả của dự án.
Hình 2: TS. Đoàn Đức Lân trao đổi tại buổi seminar cùng các giảng viên và sinh viên khoa Nông Lâm
TS. Nguyễn Văn Khoa sau khi nghe các báo cáo đã trao đổi về một số kết quả nghiên cứu cũng như những khó khăn trong việc nhân rộng các mô hình trồng ngô xen với đậu nho nhe. Thầy đã gợi ý cho nhóm nghiên cứu về việc thực hiện các mô hình cho các đối tượng dân tộc khác và các địa điểm khác nhằm tăng cường hiệu quả dự án và tạo mối liên kết tiêu thụ các sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, Thầy cũng yêu cầu 2 nhóm sử dụng các kỹ thuật đã nghiên cứu thành công vào các bài giảng, tài liệu học tập cho sinh viên và bổ sung tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho Trung tâm thông tin thư viện làm tài liệu giảng dạy, học tập và tham khảo cho cán bộ, giảng viên, sinh viên và những cá nhân quan tâm.
Trường Đại học Tây Bắc và các đối tác từ Viện Thổ nhương nông hóa, Viện KHKT NLN Miền núi Phía Bắc, Viện Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện thành công các dự án với nhiều kết quả tốt đẹp. Đây là tiền đề cho việc phối hợp thực hiện các dự án trong tương lai cũng là cơ hội để nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy cho cán bộ giảng viên của Nhà trường./.
Tác giả: ThS. Nguyễn Hoàng Phương