Dựa trên thỏa thuận Hợp tác giữa Trường Đại học Tây Bắc (TBU) và Trường Đại học Southern Cross – Australia (SCU) ký ngày 16/6/2017; Thư đồng ý hỗ trợ thực hiện mô hình nông lâm kết hợp của SCU ngày 3/5/2018, và đề cương chi tiết thiết kế mô hình đã được hai bên thảo luận và nhất trí thực hiện; Kế hoạch số 464/KH-ĐHTB ngày 14/5/2018 về việc triển khai xây dựng mô hình nông lâm kết hợp và kết quả triển khai các hoạt động hợp tác giữa TBU và SCU năm 2018. Từ năm 2019, các giảng viên và sinh viên khoa Nông Lâm đã tham gia các hoạt động trong khuôn khổ dự án tại các điểm nghiên cứu tại xã Bó Mười huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La.
Các Giảng viên Nông học và nhóm sinh viên K 57 thiết kế thử nghiệm xói mòn tại thực địa
Thông tin về các sinh viên đã tham gia theo bảng sau:
Bảng tổng hợp danh sách sinh viên Nông học tham gia dự án AFLI 2 tại Thuận Châu, Sơn La
STT | Năm tham gia | Sinh viên thực hiện | Lớp | Nội dung thực hiện | Ghi chú |
1 | 2019 | Hoàng Nam Phương | K 57 Nông học | Đánh giá hiệu quả của các mô hình nông lâm kết hợp đến khả năng chống xói mòn đất tại xã Bó Mười, Thuận Châu, Sơn La | Đề tài NCKH cấp Trường |
2 | Hoàng Thanh Tùng | ||||
3 | 2020 | Cà Văn Tâm | K 59 Nông học | Phối hợp thực hiện thu thập số liệu tại điểm nghiên cứu. Học tập kỹ thuật canh tác Nông Lâm kết hợp | |
4 | Lò Văn Loa | K 59 BVTV |
Dưới sự hướng dẫn của Thầy giáo Nguyễn Hoàng Phương và Thầy Đặng Văn Công, các sinh viên đã được học tập về các phương pháp đánh giá xói mòn đất như: Phương pháp PIN, phương pháp bẫy đất. Việc học lý thuyết và áp dụng ngay trên thực địa đã giúp sinh viên hiểu rõ hơn kiến thức đã học. Mặt khác, việc thực hành tại thực địa cũng là điều kiện để hiểu rõ hơn những ưu điểm, nhược điểm của các phương pháp nghiên cứu. Từ những kiến thức có được, sinh viên có thể xác định, lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Nhóm sinh viên K 59 đang thu mẫu đất đánh giá xói mòn tại thực địa.
Bên cạnh việc đánh giá xói mòn đất, dự án AFLI 2 còn thực hiện đánh giá các mô hình canh tác Nông Lâm kết hợp. Thử nghiệm được tiến hành với nhiều loài cây trồng xen với nhau nhằm tìm ra một phương thức trồng xen hợp lý nhất vừa không ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của các loài cây khác nhau trong đó cây trồng chính là cây mận, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân. Đồng thời, thử nghiệm được tiến hành ngay trên các nương của người dân, với sự hướng dẫn của cán bộ tham gia dự án sẽ giúp người dân tiếp cận với kiểu canh tác mới bền vững và hiệu quả. Các thử nghiệm còn là nơi để bà con nông dân đặc biệt là người dân tộc thiểu số tham quan học hỏi và trao đổi kinh nghiệm và nhân rộng các kết quả nghiên cứu ra các vùng có điều kiện tương tự, phát huy được lợi thế vùng. Đây là cơ hội tốt giúp sinh viên đánh giá được hiệu quả thực tế của các mô hình trình diễn kỹ thuật. Thông qua việc theo dõi, ghi chép số liệu, sinh viên hiểu rõ hơn các tác động của mô hình đến sinh kế của người dân.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, sinh viên còn gặp một số khó khăn nhất định như:
Địa điểm thực hiện dự án ở xa Trường nên việc di chuyển thu thập số liệu của sinh viên chưa thuận lợi. Sinh viên di chuyển bằng xe máy là chủ yếu nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi tham gia giao thông. Mẫu đất phục vụ nghiên cứu phải vận chuyển từ địa điểm thực hiện về Trường Đại học Tây Bắc cũng là cản trở lớn do khối lượng nhiều.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng việc sinh viên được tham gia phối hợp nghiên cứu cùng dự án quốc tế đã tăng cường năng lực nghiên cứu, bổ sung kiến thức thực tế giúp sinh viên hiểu rõ hơn kiến thức đã học.
Trong năm 2021, dự án AFLI 2 đã kết thúc các hoạt động đồng ruộng. Tuy vậy, việc Ban quản lý dự án tạo điều kiện cho các sinh viên được tiếp cận thực tiễn sản xuất là tiền đề để các sinh viên áp dụng vào học tập và phục vụ phát triển quê hương./.
Tác giả: ThS. Nguyền Hoàng Phương – Bộ môn Nông học