Dự án “Xây dựng mô hình thâm canh một số giống bưởi chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Sơn La” được tiến hành thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020, do tiến sĩ Nguyễn Văn Khoa, giảng viên khoa Nông – Lâm, trường Đại học Tây Bắc làm chủ nhiệm Dự án. Sau 2 năm thực hiện, Dự án đã xây dựng thành công mô hình trồng một số giống bưởi hàng hóa chất lượng cao, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm quả bưởi, là cơ sở để nhân rộng mô hình góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hoá, phát triển bền vững kinh tế – xã hội nông thôn miền núi của tỉnh Sơn La. Cụ thể, Dự án đã xây dựng được mô hình trồng một bưởi Da xanh và bưởi Diễn hàng hoá chất lượng cao với tổng quy mô 9 ha tại ba huyện là Thuận Châu, Mường La và Mai Sơn thuộc tỉnh Sơn La. Dự án đã tiếp nhận, hoàn thiện và chuyển giao 4 quy trình kỹ thuật, đào tạo 6 cán bộ kỹ thuật, tập huấn cho 200 lượt cán bộ khuyến nông, sinh viên và nông dân trong vùng dự án
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La cùng Chủ nhiệm Dự án đi kiểm tra mô hình tại Mai Sơn
Sau 2 năm thực hiện Dự án, các mô hình trồng bưởi Da Xanh tại Sơn La đều bắt đầu cho quả. Sau khi thu hoạch, Dự án tiến hành đánh giá chất lượng của sản phẩm quả bưởi Da Xanh tại các mô hình, kết quả đánh giá về mặt cảm quan cho thấy: Về mặt khối lượng, bưởi Da xanh tại Sơn La cho khối lượng trung bình dao động từ 1,3 đến 1,7kg, tương tự như bưởi Da xanh Bến Tre. Về màu sắc vỏ quả khi thu hoạch, bưởi Da xanh tại 3 vùng của Sơn La có màu từ xanh đến xanh vàng. Bưởi thu hoạch sớm từ tháng 10 đến tháng 11 có màu xanh, từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau bưởi bắt đầu có biểu hiện chín và chuyển sang màu vàng. Về hình dạng quả, bưởi Da xanh tại Sơn La có dạng hình trái tim, quả cân đối. Về màu sắc ruột bưởi Da xanh tại Sơn La có sự khác biệt khá nhiều, các mẫu tại mô hình ở Thuận Châu và Mai Sơn đều có mầu hồng nhạt, mẫu thu tại mô hình Mường La có mầu hồng đậm khá đẹp tương tự màu sắc ruột bưởi Da xanh Bến tre, thậm chí bưởi Mường La có mầu ruột quả còn đỏ đậm hơn, đây có lẽ là điểm khác biệt rõ nhất về hình thái của bưởi Da xanh Sơn La và Bến Tre, đặc điểm này có thể do giống hoặc cũng có thể do đặc điểm đất đai, khí hậu mà đến nay chưa có đủ cơ sở để kết luận. Theo một số người dân trồng bưởi tại Sông Mã và một số cửa hàng bán lẻ bưởi tại Sơn La cũng có nhận xét bưởi Da xanh trồng tại Sông Mã cũng có mầu hồng đậm đẹp như bưởi Miền Nam. Điều này có thể đặt giả thiết về đặc điểm khí hậu nóng hơn sẽ cho mầu ruột quả bưởi Da Xanh đậm hơn. Tuy nhiên cần có nghiên cứu cụ thể để kết luận chính xác.
Đánh giá mô hình trồng bưởi Da Xanh tại Thuận Châu
Khi đo hàm lượng đường tổng số cũng chó thấy sự chênh lệch không nhiều, bưởi Da xanh tại Mai Sơn và Mường La đạt độ Brix từ 10 – 11 độ, mẫu bưởi Da xanh Thuận châu đạt từ 9 – 10 độ, trong khi bưởi Da xanh Bến tre đạt 11 – 12 độ. Độ Brix thể hiện hàm lượng đường tổng số hay chính là độ ngọt của sản phẩm. Điều này cũng chỉ ra rằng sự chênh lệch không lớn về độ ngọt, thông thường các loại quả sau khi thu hoạch một thời gian, do quá trình chín tự nhiên vẫn tiếp tục do đó độ ngọt sẽ tăng dần. Bưởi Da xanh Bến Tre sau khi thu hoạch, vẫn chuyển ra đến Sơn La có thể đã làm độ ngọt tăng lên một chút.
Độ pH thể hiện vị chua của bưởi, khi chúng ta ăn trực tiếp, vị chua sẽ khó mô tả chính xác, chính vì vậy sử dụng thiết bị mày móc để xác định độ chua chúng ta sẽ đánh giá chính xác hơn về vị chua. Kết quả đánh giá cho thấy bưởi Da xanh trồng tại Sơn La có pH từ : 3,96 – 4,57 trong khi bưởi Da xanh Bến Tre có độ pH đạt từ 4,5 – 5,0. Điều này cho thấy bưởi Da xanh trồng tại Sơn La có vị chua hơn so với bưởi Da xanh ở tỉnh Bến Tre.
Như vậy có thể nói, về mặt cảm quan, bưởi Da xanh trồng tại Sơn La có sự khác biệt không lớn so với bưởi Da xanh Bến Tre. Một số khác biệt cơ bản ít ảnh hưởng đến chất lượng ăn uống như: Màu sắc ruột quả nhạt hơn, số hạt trên quả nhiều hơn và có vị hơi chua hơn so với bưởi Da xanh Bến Tre. Những sự khác biệt này đến nay chưa thể kết luận cụ thể về nguyên nhân, có thể do giống (nguồn giống bưởi trồng tại Sơn La quá đa dạng và không rõ ràng), cũng có thể là do điều kiện khí hậu và đặc điểm trồng quá đa dạng các loại cây có múi tại Sơn La. Cần có thêm các nghiên cứu cụ thể để nắm rõ và tiến hành các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất bưởi Da xanh cho Sơn La.
Tác giả: TS. Nguyễn Văn Khoa