Ngày 23/03/2001, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 39/2001/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc. Chức năng của Trường Đại học Tây Bắc là đào tạo đội ngũ cán bộ đa ngành, đa lĩnh vực cung cấp cho khu vực Tây Bắc và vùng lân cận. Xuất phát từ sứ mạng của Nhà trường, Khoa Nông Lâm chính thức được thành lập theo Quyết định số 14/QĐ-TCCB ngày 09 tháng 01 năm 2006 của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc trên cơ sở Ban Kinh tế Nông Lâm; quyết định được chính thức công bố vào ngày 11 tháng 01 năm 2006. Từ khi thành lập đến nay, Khoa đã đào tạo được nhiều thế hệ sinh viên đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, của khu vực Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đến nay Khoa Nông Lâm đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định được vị thế của mình trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và môi trường.

I CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN CỦA KHOA NÔNG -LÂM

  1. Giai đoạn từ 2003 – 2006

Ngày 27 tháng 8 năm 2003, Ban Kinh tế – Nông lâm được thành lập theo Quyết định số 151/QĐ-TCCB của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc. Khi mới thành lập, Ban Kinh tế – Nông lâm có 4 thành viên với nhiệm vụ cơ bản là xây dựng, phát triển các ngành đào tạo đại học khối ngành nông, lâm và kinh tế. Ngay khi mới thành lập, Ban Kinh tế – Nông lâm đã hoạch định kế hoạch xây dựng và phát triển ngành; đề xuất với Nhà trường chuẩn bị cơ sở, vật chất phục vụ đào tạo, tập trung xây dựng các chương trình đào tạo trình độ đại học. Năm 2003, Ban đã chính thức tuyển sinh và đào tạo hai lớp Đại học Nông học và Đại học Lâm sinh đầu tiên với 120 sinh viên; năm 2004, tuyển sinh và đào tạo, ngành kế toán tổng hợp; năm 2006 liên với Trường Đại học Kinh tế quốc dân mở ngành Quản trị kinh doanh và liên kết với Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội mở ngành đào tạo đại học Bảo vệ thực vật.

Trong thời gian này Ban Kinh tế- Nông lâm còn rất nhiều khó khăn như: đội ngũ cán bộ giảng viên còn hạn chế về số lượng, trình độ và kinh nghiệm; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo tại cơ sở Thuận Châu còn nghèo nàn với các phòng học cấp 4 xây dựng từ những năm 1960 đã xuống cấp; cơ sở thực hành thực tập còn thiếu thốn vv… Ban đã tham mưu với Nhà trường mời những giảng viên có nhiều kinh nghiệm từ các trường đại học có bề dày kinh nghiệm như: Trường ĐH Nông nghiệp I Hà nội, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế quốc dân lên thỉnh giảng; đã tận dụng khu vườn trường nhỏ bé làm nơi thực hành; đã liên kết với các đơn vị tại địa phương đưa sinh viên đi thực tập. Với tinh thần đoàn kết, bằng sự nhiệt huyết, thày và trò Ban Kinh tế Nông-lâm đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển của Khoa Nông – lâm và Khoa Kinh tế sau này.

  1. Giai đoạn từ 2006 – 2013

Ngày 9 tháng 1 năm 2006, Khoa Nông lâm – Kinh tế được thành lập. Các đơn vị thuộc Khoa gồm 3 bộ môn (Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Kinh tế) và 01 Tổ Văn phòng. Nhiệm vụ của Khoa là thay mặt Nhà trường quản lý các hoạt động đào tạo tại cơ sở Thuận Châu sau khi Nhà trường chuyển về cơ sở mới tại TP. Sơn La. Năm 2008, bộ phận hành chính bảo vệ tại cơ sở Thuận Châu được Khoa thống nhất quản lý. Ngày 14 tháng 8 năm 2008, Bộ môn Kinh tế tách khỏi Khoa Nông lâm-Kinh tế theo Quyết Định số 415/QĐ-ĐHTB-TCCB của Hiệu Trưởng. Khoa Nông lâm-Kinh tế đổi tên thành Khoa Nông – Lâm. Để thuận lợi cho công tác giảng dạy các học phần cơ bản tại cơ sở Thuận Châu, Bộ môn Sinh học ứng dụng được thành lập theo Quyết định số 734/QĐ-ĐHTB-TCCB của Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc ngày 3 tháng 12 năm 2010.

Giai đoạn này Khoa Nông- Lâm tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ đồng thời mở rộng các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Khoa đã đề xuất tuyển dụng nhiều cán bộ, giảng viên có trình độ và năng lực chuyên môn; đã liên kết với Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam mở lớp Thạc sĩ tại Cơ sở Thuận Châu để đào tạo đội ngũ tại chỗ cho Khoa; đã liên kết với các tổ chức, các đơn vị, các trung tâm, các khu bảo tồn thiên nhiên để gửi sinh viên thực tập; tiếp tục mời những giảng viên có nhiều kinh nghiệm từ các trường đại học, các viện nghiên cứu có uy tín lên thỉnh giảng. Đặc biệt, Khoa đã mở rộng hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, tranh thủ nguồn lực, nâng cao chất lượng đội ngũ phục vụ đào tạo, nghiên cứu. Trong giai đoạn này, cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa đã thực hiện nhiều đề tài NCKH cấp tỉnh, cấp bộ và cấp cơ sở; đã thực hiện dự án về nâng cao năng lực cho cán bộ, giảng viên do tổ chức JICA tài trợ; đã thực hiện 4 tiểu dự án do ngân hàng thế giới tài trợ vv…Chính vì vậy, năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên ngày càng được nâng lên rõ rệt.

  1. Giai đoạn từ 2013 – 2020

Ngày 02/02/2013 Khoa Nông- Lâm đã di chuyển từ cơ sở Thuận Châu về cơ sở TP Sơn La theo Quyết định số 51/QĐ-ĐHTB-TCCB ngày 25/01/2013 của Hiệu trưởng. Từ thời điểm này, cán bộ, giảng viên và sinh viên có điều kiện học tập trong môi trường tốt hơn với các phòng học khang trang, các phòng thí nghiệm hiện đại. Ngày 18/ 9/2013, Bộ môn Nông nghiệp được phân chia thành 2 bộ môn Nông học và Chăn nuôi-Thú y; Bộ môn Lâm nghiệp được phân chia thành 2 bộ môn Lâm học và Quản lý tài nguyên và Môi trường. Năm 2019, do tình hình hình thực tiễn của Nhà trường, Bộ môn Sinh học ứng dụng giải thể và chuyển về khoa Khoa học tự nhiên và công nghệ quản lý. Năm 2020, Bộ môn Lâm học đổi tên thành Bộ môn Lâm nghiệp. Đến nay, tổ chức của Khoa gồm Văn phòng Khoa và 4 bộ môn (Nông học, Chăn nuôi, Quản lý tài nguyên và môi trường, Lâm nghiệp). Hiện tại, Khoa đang đào tạo 6 ngành trình độ đại học là Nông học, Lâm sinh, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Quản lý Tài nguyên rừng, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi.

Trong giai đoạn này, Khoa Nông-Lâm tiếp tục tập trung vào công tác Phát triển đội ngũ, Đào tạo, NCKH và CGCN, Hợp tác quốc tế, Kết nối và phục vụ cộng đồng:

– Về công tác phát triển đội ngũ: Khoa đã cử nhiều cán bộ, giảng viên có năng lực đi nghiên cứu sinh ở trong và ngoài nước; khuyến khích cán bộ, giảng viên tham dự các khóa đào tạo tập huấn trong nước và quốc tế; cử nhiều cán bộ, giảng viên tham gia các khóa đào tạo ngoại ngữ văn bằng 2 và đào tạo trực tuyến.

– Về công tác đào tạo: Trú trọng nâng cao chất lượng; phát triển chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng; đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất. Tăng cường phối hợp với các tổ chức, các doanh nghiệp để gửi sinh viên đi thực tập, tiếp cận với thực tiễn vv…

– Về công tác NCKH và CGCN: Khoa đã định hướng nghiên cứu phù hợp với yêu cầu ngành nghề và khích lệ giảng viên và sinh viên NCKH; nhiều đề tài, dự án Khoa thực hiện gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và gắn với giảng dạy; kết quả của nhiều đề tài, dự án khoa học đã được chuyển giao, có sức lan tỏa tại cộng đồng địa phương; có nhiều đề tài của giảng viên và sinh viên đạt giải cao trong các hội thi NCKH quốc gia và của địa phương.

– Công tác hợp tác quốc tế: Tiếp tục phối hợp của tổ chức IfPat hình thành dự án phát triển du lịch cộng đồng tại tỉnh Sơn La. Tham gia tích cực vào dự án Au4-Skill do chính phủ Úc tài trợ về nâng cao năng lực đào tạo, quản lý hiệu suất công việc, đảm bảo chất lượng và cải tiến phương pháp giảng dạy vv…

– Công tác kết nối và phục vụ cộng đồng: Tăng cường công tác hỗ trợ sinh viên trong học tập và nghiên cứu; mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, việc làm vv…

  1. NHỮNG THÀNH TỰU CỦA KHOA NÔNG-LÂM
  2. Công tác tổ chức, xây dựng đội ngũ

 Ngay từ khi thành lập, Khoa Nông-Lâm đã xác định rõ: Xây dựng và phát triển đội ngũ là yêu cầu tối quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển đơn vị. Chính vì vậy, Khoa đã đề xuất với Nhà trường liên kết mở 01 lớp đào tạo Thạc sĩ Nông nghiệp và 01 lớp Thạc sĩ Lâm nghiệp đầu tiên tại Trường khóa 2008-2010 để đào tạo tại chỗ cho 20 cán bộ, giảng viên. Khoa đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các cơ sở uy tín trong và ngoài nước. Kết quả: Khi thành lập, Khoa có 4 cán bộ, giảng viên với 1 thạc sĩ và 3 kỹ sư, cử nhân. Ngoài ra Khoa cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên tham gia nhiều khóa đào tạo ngắn hạn về tin học, ngoại ngữ, chuyên môn trong và ngoài nước. Kết quả: đến nay Khoa đã có 42 cán bộ, giảng viên với 11 tiến sĩ và 31 thạc sĩ (6 NCS)

  1. Công tác đào tạo:

 Với phương châm tăng cường mở ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ở khu vực Tây Bắc và vùng lân cận, Khoa đã đẩy mạnh công tác mở ngành đào tạo về lĩnh vực nông, lâm nghiệp và môi trường. Kết quả: khi mới thành lập (2003), Khoa có 2 ngành đào tạo đại học là Nông học và Lâm sinh; đến nay đã có 6 ngành đào tạo đại học là Nông học, Lâm sinh, Quản lý Tài nguyên Môi trường, Quản lý Tài nguyên rừng, Bảo vệ Thực vật và Chăn nuôi.

Khoa đã đào tạo được 14 khóa ra trường với gần 4000 sinh viên. Hầu hết các sinh viên ra trường có việc làm ổn định và công tác tại khắp mọi miền của Tổ quốc. Nhiều sinh viên thành đạt trong các cơ quan Nhà nước, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp.

  1. Công tác NCKH và Hợp tác Quốc tế

– Công tác NCKH và CGCN:

 Công tác NCKH và CGCN là một nhiệm vụ trọng tâm của Khoa. Từ khi thành lập, Khoa đã có chủ trương khích lệ cán bộ, giảng viên và sinh tăng cường tìm kiếm nguồn lực thực hiện NCKH và CGCN nhằm nâng cao năng lực hoạt động của giảng viên và nâng cao nhận thức, kỹ năng NCKH của sinh viên.

Về Nghiên cứu Khoa học của Giảng viên: Từ năm 2003-2020, Khoa Nông Lâm đã thực hiện thành công 17 đề tài, dự án KH&CN cấp tỉnh với tổng kinh phí 13.896 triệu đồng; 27 đề tài, dự án cấp Bộ với tổng kinh phí 13.896 triệu đồng; 65 đề tài cấp cơ sở, tổng kinh phí 453 triệu đồng; 2 đề tài nhánh cấp Nhà nước với tổng kinh phí 762 triệu đồng; thực hiện 65 đề tài cấp cơ sở; 6 tiểu dự án do Wold Bank và các tổ chức khác tài trợ; có 7 sáng kiến tham gia dự thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật tỉnh Sơn La. Nhiều kết quả đề tài do Khoa Nông Lâm thực hiện đã được ứng dụng trong thực tiễn sản xuất tại tỉnh Sơn La đã và đang chuyển giao có hiệu quả ngoài thực tiễn sản xuất, được doanh nghiệp và nông dân Sơn La ứng dụng như các đề tài về: Thanh long ruột đỏ; Sâu đục quả xoài; Tưới nhỏ giọt cho cà phê; Phục tráng và phát triển các giống lúa địa phương; Sản xuất rau hữu cơ; Gà đen bản địa vv…

 Về NCKH của sinh viên: Khoa Nông-Lâm cũng chú trọng công tác NCKH của sinh viên nhằm giúp sinh viên làm quen và nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học. Từ khi thành lập đến nay, số lượng đề tài sinh viên đã thực hiện là 124 với tổng kinh phí là 62 triệu đồng.

– Công tác Hợp tác quốc tế:

Khoa đã thực hiện thành công dự án “nâng cao năng lực cho cán bộ giảng viên của trường Đại học Tây Bắc” và tham gia thực hiện thành công dự án “Hỗ trợ cải thiện thu nhập của người nông dân thông qua tái thiết nông nghiệp tổng hợp khu vực đồi núi” do tổ chức NPO-IFPaT hỗ trợ. Kết quả dự án được tổ chức Jica đánh giá cao và có tính bền vững. Ngoài ra, Khoa đã hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để thực hiện các dự án như: Ngân hàng thế giới (WB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trung tâm Nông Lâm thế giới (ICRAF), Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR), Đại sứ quán Australia, Công ty FORD Việt Nam, Quỹ Uninever Việt Nam, Tổ chức dịch vụ và phát triển Đức. Đến nay Khoa đã thực hiện 14 dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ.

  1. Về kết nối và phục vụ cộng đồng

Khoa đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện thành công 01 dự án thuộc chương trình Tây Bắc; phối hợp với Viện NC Rau quả trung ương thực hiện thành công 01 đề tài cấp Nhà nước; phối hợp với Liên hiệp Hội KHKT tỉnh Sơn La tổ chức thành công các buổi chuyển giao kỹ thuật; phối hợp với Công ty Oleco đưa nhiều sinh viên đi thực tập sinh tại Israel; phối hợp với các công ty Chăn nuôi Dheus, ANT, Marvin; Hải nguyên; các HTX, các khu bảo tồn rừng, các doanh nghiệp khác đưa sinh viên đi thực tập và giới thiệu việc làm.

Cử nhiều lượt giảng viên tham gia đào tạo nghề cho nông dân tại địa phương; tư vấn kỹ thuật sản xuất cây trồng, vật nuôi cho nhiều tổ chức và cá /nhân.

  1. Về thi đua khen thưởng:

Từ năm 2013-2020, tập thể cá nhân trong Khoa đã được các cấp bộ Đảng, Nhà nước và Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý.

+ Về tập thể: 4 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc vào các năm 2010, 2013, 2015, 2018. Có 4 bằng khen được Đảng bộ tỉnh Sơn La trao tặng vào các năm 2010, 2011, 2012. Có 3 Bằng khen được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng vào các năm 2011, 2015, 2018.

+ Về cá nhân: Có 74 lượt cán bộ, giảng viên được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 10 lượt chiến sĩ thi đua cấp Bộ, 01 lượt Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 29 Bằng khen cấp Tỉnh, Bộ và tương đương; 02 Bằng khen của Thủ tướng; 01 Huân chương Lao động hạng 3 và nhiều giấy khen. Có nhiều giảng viên đạt giải thưởng cao quý như: 01 giải thưởng do Quỹ hỗ trợ sáng tạo Việt Nam (Vifotex) trao tặng, 01 giải thưởng Lương Định Của, 01 danh hiệu Nhà khoa học của Nhà nông; 01 giải nhất nghiên cứu khoa học trẻ toàn quốc; 01 giải nhì, 01 giải ba và 2 giải khuyến khích hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Sơn La.

Có nhiều sinh viên đạt giải SV nghiên cứu KH toàn quốc, trong đó có 02 giải nhất, 01 giải nhì, 03 giải Ba và nhiều giải khuyến khích; 08 sinh viên được Bộ Giáo dục đào tạo, Trung ương Hội sinh viên tặng Bằng khen.

Các thành tựu Khoa Nông-Lâm đã đạt được là kết quả của sự nỗ lực phấn đấu hết mình của cán bộ, giảng viên và sinh viên trong Khoa và sự giúp đỡ của tập thể lãnh đạo Nhà trường, của các tổ chức, các đơn vị liên quan trong suốt quá trình phát triển của đơn vị. Trong bối cảnh trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết tập thể cùng khát vọng vươn lên chiếm lĩnh tri thức của mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên, hy vọng Khoa Nông-Lâm sẽ hoàn thành xuất sắc sứ mệnh Nhà trường giao phó.

DANH SÁCH LÃNH ĐẠO KHOA NÔNG-LÂM QUA CÁC THỜI KỲ

1. Nhiệm kỳ 2003 – 2006 (Ban Kinh tế – Nông lâm)

ThS. Vũ Quang Giảng

Trưởng Ban

 

2. Nhiệm kỳ 2006-2013 (Khoa Nông – Lâm)

TS. Đoàn Đức Lân

Trưởng khoa

TS.Vũ Quang Giảng

Phó trưởng Khoa

 

ThS. Cao Đình Sơn

Phó trưởng Khoa

     

3. Nhiệm kỳ 2013-2018 (Khoa Nông – Lâm)

TS. Vũ Quang Giảng

Trưởng khoa

TS. Nguyễn Văn Khoa

Phó Trưởng khoa

ThS. Nguyễn Tiến Dũng

Phó Trưởng khoa

 

4. Nhim kỳ 2019- 2024

TS. Vũ Quang Giảng

Trưởng Khoa

TS. Nguyễn Văn Khoa

Phó trưởng khoa

 

TS. Hoàng Văn Thảnh

Phó trưởng khoa

 

Tác giả: TS. Vũ Quang Giảng – Trưởng Khoa Nông – Lâm

Để lại một bình luận