Nông nghiệp sinh thái là một phương pháp tiếp cận áp dụng đồng thời các khái niệm và nguyên tắc về sinh thái và xã hội nhằm xây dựng và quản trị hệ thống nông nghiệp và thực phẩm, tối ưu hóa các mối tương tác giữa động thực vật, con người và môi trường, bao gồm cả các yếu tố xã hội hướng tới một hệ thống thực phẩm bình đẳng và bền vững. Đây là chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm và có những định hướng phát triển. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra quan điểm: Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra ban hành Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030 trong đó nêu rõ mục tiêu: Xây dựng và chuyển giao các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sinh thái, lồng ghép sản xuất nông nghiệp sinh thái, ít phát thải vào liên kết chuỗi giá trị.

Ngày 18/1/2024, Bộ môn Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Seminar với chủ đề: “NÔNG NGHIỆP SINH THÁI HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU NET ZERO”. Tham gia Seminar có TS. Nguyễn Văn Khoa – Phó Trưởng Khoa Nông Lâm, TS. Nguyễn Đức Thuận – Phó Trưởng Bộ môn Nông học, một số giảng viên và sinh viên.

Thay mặt cho nhóm nghiên cứu, Ths. Nguyễn Hoàng Phương đã chia sẻ các kết quả của Hội thảo Quốc tế: “Thay đổi các hệ thống canh tác trồng trọt – chăn nuôi quy mô nhỏ thích ứng với biến đổi khí hậu, theo định hướng thị trường và bền vững phù hợp với chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn và mục tiêu phát thải ròng bằng 0”, tổ chức tại Hà Nội ngày 5/12/2023.

Nội dung đầu tiên là thông tin từ GS Michael Bell, Đại học Queensland chia sẻ một số kinh nghiệm của Australia trong việc tăng tính bền vững cho các hệ thống canh tác. Theo đó, phát thải khí nhà kính từ sản xuất nông nghiệp hiện chiếm khoảng 14,1 % tổng lượng phát thải của Australia. Trong đó, phát thải từ sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ phát thải khí metan trong hoạt động chăn nuôi (khoảng 77%), oxit nitơ phát thải từ phân bón, tàn dư thực vật phân hủy (khoảng 19%). Giải pháp của Australia là quản lý chặt chẽ sức khỏe, khả năng sinh sản của vật nuôi, cho gia súc nhiều thức ăn từ cây họ Đậu, đồng thời sử dụng thực phẩm bổ sung. Đề xuất vào việc phát triển nông nghiệp bền vững, giảm phát thải trong tương lai, GS Michael Bell cho rằng nên tái cơ cấu cả hệ thống cây trồng lẫn chăn nuôi, theo hướng tăng cường trồng cây họ Đậu trong canh tác luân canh, giảm thiểu việc làm đất để làm chậm quá trình mất carbon, trồng xen các loài cây lâu năm.

Nội dung thứ hai là kết quả của Dự án ACIAR (SMCN/2014/049) về cải thiện các hệ thống canh tác có ngô trên đất dốc tại Tây Bắc Việt Nam và Lào đã được thực hiện từ năm 2018-2021. Cụ thể, người dân có thể áp dụng các biện pháp canh tác bảo tồn như canh tác theo băng (đường đồng mức), làm đất tối thiểu, che phủ (cây sống, tàn dư thực vật…); Lựa chọn cây che phủ ngăn ngày đa dụng (ưu tiên cây họ Đậu, cây bản địa) và cây thức ăn chăn nuôi phù hợp để trồng xen/gối vụ; Lựa chọn cây dài ngày (cây ăn quả, cây công nghiệp) phù hợp và trồng với mật độ hợp lý.

Hình 1. Ảnh Báo cáo viên trình bày Báo cáo seminar

Nội dung thứ ba tại Seminar là về các hoạt động của Trường Đại học Tây Bắc trong các dự án hợp tác với ACIAR. Từ năm 2008, đã có 02 giảng viên thực hiện luận văn thạc sĩ và 46 sinh viên tham gia, hưởng lợi từ các hoạt động của Dự án. Kết quả nổi bật là nhóm nghiên cứu do TS. Đoàn Đức Lân phụ trách đã đề xuất việc sử dụng cây Đậu nho nhe, cây Bí đỏ để trồng xen với cây ngô giúp cải tạo, hạn chế xói mòn đất và đảm bảo thu nhập cho người dân.

Thảo luận trong buổi seminar, TS. Vũ Đức Toàn đã chia sẻ về sự cân thiết ứng dụng công nghệ GIS trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng cảnh quan cũng như ứng dụng vào việc lập kế hoạch, quy hoạch phát triển sản phẩm nông lâm nghiệp. TS. Nguyễn Đức Thuận trao đổi về việc ứng dụng thiết bị bay không người lái để đánh giá cây trồng, sâu bệnh hại trong sản xuất nông nghiệp.

Một số LHS học tập tại Khoa Nông Lâm nêu ý kiến, muốn tìm hiểu về việc lựa chọn cây họ Đậu khi trồng xen với cây ngô và lựa chọn cây trồng trên đất có độ dốc lớn.

Hình 2. Ảnh Giảng viên và sinh viên thảo luận trong buổi seminar

Seminar đã góp phần giúp các giảng viên, sinh viên hiểu thêm về nông nghiệp sinh thái nhằm đáp ứng mục tiêu net-zero. Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào giảng dạy và thực tiễn là cơ hội để nhân rộng, phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm đã có để phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái và bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu./.

Bài viết: TS. Đoàn Đức Lân – BM Tài nguyên & Môi trường, ThS. Nguyễn Hoàng Phương – BM Nông nghiệp