Biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan: Nắng nóng kéo dài, hạn hán, lũ lụt, mưa bão, nước biển dâng … và gây ảnh hưởng đến toàn cầu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều quốc gia. Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cứu vãn hành tinh của chúng ta khỏi những thảm họa thiên nhiên, xây dựng tương lai bền vững cho các thế hệ mai sau.

Gần ba thập kỷ qua, Liên hợp quốc tổ chức các Hội nghị thường niên của các bên (Confrence of Parties – COP) với sự tham gia của đại diện các chính phủ, nguyên thủ các nước để có những giải pháp hiệu quả ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Hội nghị lần thứ 28 (COP 28) với chủ đề “Gắn kết, hành động, hiệu quả” vừa tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) từ 30/11 – 12/12/2023. Đây là hội nghị khí hậu toàn cầu lớn nhất từ trước cho tới nay với sự tham gia của hơn 97.000 đại biểu và hơn 140 nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ. COP 28 đã đạt được những thỏa thuận quan trọng về tài chính khí hậu và loại bỏ nhiên liệu hóa thạch.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia COP 28 và đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh hành động vì khí hậu, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G77 và Trung Quốc về biến đổi khí hậu. Bài phát biểu của Thủ tướng mang đến Hội nghị thông điệp lớn là “Đoàn kết quốc tế, chung tay vì sự phát triển thịnh vượng của nhân loại”  nêu rõ phương châm của Việt Nam là nói đi đôi với làm, tích cực, chủ động, sáng tạo ứng phó với  biến đổi khí hậu. Thủ tướng đã đề cập đến những nỗ lực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa huy động nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, kết hợp công và tư, trong và ngoài, song phương và đa phương; kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ các nước đang phát triển về vốn ưu đãi, công nghệ cao, quản trị thông minh, thể chế phù hợp; kêu gọi các nước đang phát triển nỗ lực hơn nữa với tinh thần tự lực, tự cường, không ai làm tốt cho mình hơn chính mình; đề cao công bằng, công lý trong ứng phó với biến đổi khí hậu; nhấn mạnh cần đảm bảo tự chủ và an ninh năng lượng quốc gia, khả năng tiếp cận năng lượng sạch với chi phí phù hợp, hiệu quả cho mọi người dân, doanh nghiệp và quốc gia.

Hình 1. Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại COP 28 (Nguồn: VOV)

COP28 là dịp để Việt Nam tăng cường hình ảnh về đất nước trước cộng đồng quốc tế, mở ra những cơ hội mới trong việc hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia các sáng kiến quốc tế:  Tuyên bố Emirates về nông nghiệp bền vững, hệ thống lương thực có khả năng chống chịu và hành động khí hậu; cam kết làm mát toàn cầu; sáng kiến quốc tế “Đối tác triển khai Điều 6 Thỏa thuận Paris” và ủng hộ Tuyên bố cấp bộ trưởng về khí hậu và sức khỏe, thực hiện các hoạt động ngoại giao kinh tế. Đoàn Việt Nam  gặp gỡ, tiếp xúc nhiều đối tác quốc tế, qua đó thúc đẩy hợp tác với các nước,  góp phần thúc đẩy giải quyết các quan tâm và lợi ích của đất nước, cũng như tháo gỡ một số khó khăn. Việt Nam chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế. thể hiện tinh thần trách nhiệm và sẵn sàng đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu.  (Nguồn tư liệu: https://www.vietnamplus.vn/dau-an-dac-biet-cua-viet-nam-tai-hoi-nghi-cop-lon-nhat-trong-lich-su-post915727.vnp).

Nhân dịp này, Bộ môn Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức một số seminar về biến đổi khí hậu, hướng dẫn sinh viên cập nhật thông tin về COP 26 và tiến hành thu gom rác thải tại khuôn viên của Trường.

Hình 2. Ảnh Sinh viên Bộ môn Tài nguyên và Môi trường thu gom rác thải tại khuôn viên của Trường

                                                                           Tác giả: TS. Đoàn Đức Lân – BM Tài nguyên và Môi trường