Hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp cũng như thực hiện các chính sách khuyến khích người sử dụng đất sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tăng khả năng sử dụng đất cũng như cải thiện môi trường. Để thực hiện được những mục tiêu đó thì việc tích tụ, tập trung đất đai với quy mô lớn hơn là điều cần thiết, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Ba Lan, Bzasil. Mặt khác, tập trung đất đai còn được xem là tiền đề phát triển kinh tế hộ gia đình trong quá độ chuyển từ sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, tập trung, cần đầu tư khoa học công nghệ như: giống cây con; phân bón; bảo vệ thục vật, thú y; kỹ thuật canh tác, chăn nuôi; máy móc thiết bị, chế biến, bảo quản nông sản; tiêu thụ hàng hóa… Thói quen sản xuất riêng lẻ của hộ gia đình cá nhân không đáp ứng được những yêu cầu này, do vậy tất yếu có nhu cầu hợp tác sản xuất kinh doanh dưới các hình thức thích hợp: Hợp tác sản xuất kinh doanh (từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm), góp vốn với các doanh nghiệp nông nghiệp.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 08 (2021) đến nay, cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng đã mang lại hiệu quả. Huyện Mộc Châu và huyện Mai Sơn hiện nay là những huyện nông nghiệp phát triển bậc nhất ở Sơn La. Với những tiềm năng về thổ nhưỡng, khí hậu cùng với việc áp dụng những ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, hai huyện này đã xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản tiêu biểu, ở Mộc Châu có: Sữa Mộc Châu, quả Bơ Mộc Châu, chuỗi rau an toàn VietGap, sản phẩm Chè tuyết san Mộc Châu, dâu Hana Mộc Châu… Đối với huyện Mai Sơn thì có những sản phẩm tiêu biểu như: Nhãn, ổi, xoài Đài Loan, Na Đài Loan, chuỗi rau an toàn VietGap, dưa lưới…
Những sản phẩm này hiện nay cũng đang xây dựng thương hiệu và có những chỗ đứng nhất định trong thị trường nội địa, cũng như phục vụ xuất khẩu. Ở một số cửa hàng Hoa quả vùng miền hay chuỗi hoa quả KingFruit, GoldFruit… không khó để tìm những sản phẩm từ Mộc Châu và Mai Sơn. Đây là kết quả của việc đổi mới mô hình sản xuất và cũng là thành tựu bước đầu của quá trình tập trung đất đai. Từ việc sản xuất dựa trên những diện tích nông nghiệp phân tán, manh mún, bó hẹp trong quy mô hộ gia đình, cá nhân đến nay trên địa bàn huyện Mộc Châu đã có hơn 32 chuỗi tiêu thụ sản phẩm an toàn; trên 166 ha diện tích ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel, xây dựng trên 40 ha nhà lưới; và xây dựng được 187 mô hình ứng dụng công nghệ sinh học. Hiện nay, các mô hình này đã được sử dụng ổn định, cho kết quả khả quan, giảm chi phí đầu tư, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Tác giả: ThS-NCS. Đoàn Hương Giang – Bộ môn QLTN&MT