Mở đầu
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì khoa học kĩ thuật càng ngày càng phát triển, góp phần làm thay đổi phong cách và tập quán sinh hoạt của nhiều người dân từ nông thôn đến thành thị. Chính nhờ những dịch vụ chăm sóc khách hàng đó cùng với sự phát triển của xã hội mà nhu cầu sinh hoạt của con người ngày càng tăng cao và luôn được đáp ứng kịp thời. Bên cạnh những mặt tích cực ấy là lượng chất thải rắn sinh hoạt thải ra môi trường ngày càng nhiều, đặc biệt ở những khu vực có mật độ dân cư đông đúc, tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh. Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh nếu như không được quản lý mà đổ thải trực tiếp ra ngoài môi trường sẽ làm cho cảnh quan môi trường bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực và tác động trực tiếp đến đời sống của người.
- Đặc điểm của chất thải rắn sinh hoạt
Chất thải rắn sinh hoạt (hay còn gọi là rác thải sinh hoạt) là những chất thải ở thể rắn phát sinh ra trong hoạt động sinh hoạt thường ngày của con người. Các nguồn chủ yếu phát sinh rác thải sinh hoạt bao gồm: các khu dân cư; trung tâm thương mại; viện nghiên cứu, cơ quan, trường học, các công trình công cộng; các dịch vụ đô thị, sân bay…..
Thành phần lý, hóa học của chất thải rắn sinh hoạt khác nhau tùy thuộc vào từng địa phương, vào mùa, khí hậu, điều kiện kinh tế và nhiều yếu tố khác. Mỗi nguồn thải khác nhau lại có thành phần chất thải rắn khác nhau như: Khu dân cư và thương mại có thành phần chất thải rắn đặc trưng là chất thải rắn thực phẩm, giấy, carton, nhựa, vải, cao su, rác vườn, gỗ, nhôm…; Ở cơ quan, trường học thành phần chất thải rắn đặc trưng lại là giấy, bìa carton, nhựa, nilon……Nhìn chung, thành phần chất thải rắn sinh hoạt rất đa dạng và phức tạp.
Bảng 1. Các loại chất thải rắn đặc trưng từ nguồn thải sinh hoạt
Nguồn thải |
Thành phần chất thải |
Hộ gia đình, khu
thương mại , dịch vụ, công sở, khu công cộng, các hoạt động sinh hoạt của cơ sở sản xuất, khám chữa bệnh |
Chất thải rắn sinh hoạt:
– Chất thải thực phẩm (chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học). – Giấy, bìa các tông. – Nhựa. – Vải. – Cao su. – Rác vườn. – Gỗ. – Kim loại: nhôm, sắt… – Đồ gốm, sành, thủy tinh. – Chất thải vỏ, lọ thủy tinh không chứa thành phần nguy hại. – Các loại khác: tã lót, khăn vệ sinh… Chất thải nguy hại: – Đồ điện gia dụng thải. – Pin thải, bao bì thuốc diệt côn trùng… |
Dịch vụ công cộng | – Vệ sinh đường phố: chất thải thực phẩm, giấy báo, bìa các tông, giấy loại hỗn hợp, kim loại, nhựa các loại, vải, xác động vật,…
– Cắt tỉa cây xanh: cỏ, lá cây, mẩu cây thừa, gốc cây…. |
Nguồn: Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019
Chất thải rắn sinh hoạt của Việt Nam có đặc trưng là độ ẩm cao (dao động trong khoảng 65 – 95%), độ tro khoảng 25 – 30% (khối lượng khô), tổng hàm lượng chất rắn bay hơi (TVS – Total Volatile Solid) dao động trong khoảng 70 – 75% (khối lượng khô), nhiệt lượng thấp (dao động trong khoảng 900 – 1.100 Kcal/kg khối lượng ướt). Thành phần chất hữu cơ có khả năng phân hủy sinh học (thực phẩm thải) trong chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình chiếm tỷ lệ cao hơn các thành phần khác và thành phần này đang thay đổi theo chiều hướng giảm dần. Từ năm 1995, thành phần chất thải thực phẩm chiếm tỷ lệ rất cao (80 – 96%) nhưng đến năm 2017 thành phần này giảm xuống còn khoảng 50 – 70%; điều này thể hiện sự thay đổi lối sống của cư dân đô thị là nhanh và tiện lợi (Theo Báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia năm 2019).
Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc là khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2019, con số này là 64.658 tấn/ngày (khu vực đô thị là 35.624 tấn/ngày và khu vực nông thôn là 28.394 tấn/ngày), tăng 46% so với năm 2010. Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị phụ thuộc vào quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa của đô thị và đang có xu thế ngày càng tăng. Tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày (13.002.592 tấn/năm), chiếm 55% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh của cả nước. Chất thải rắn sinh hoạt tại nông thôn chủ yếu gồm thành phần hữu cơ dễ phân hủy (thực phẩm thải, chất thải vườn) với độ ẩm trên 60%. Theo số liệu thống kê, khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt nông thôn hiện nay là 28.394 tấn/ngày (tương đương 10.363.868 tấn/năm).
- Trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt và bảo vệ môi trường
Lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ngày càng tăng, gây áp lực rất lớn đến công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra thực hiện để có thể nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn. Một trong những biện pháp đó chính là phân loại chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình (hay còn gọi là phân loại rác thải tại nguồn).
Phân loại chất thải là hoạt động phân tách chất thải (đã được phân định) trên thực tế nhằm chia thành các loại hoặc nhóm chất thải để có các quy trình quản lý khác nhau. Việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các hộ gia đình đem lại nhiều lợi ích cho công tác quản lý chất thải rắn nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung như:
– Phân loại rác tại nguồn góp phần giảm thiểu ô nhiễm, giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường từ đó giảm tải cho môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý từ đó tăng lợi ích về kinh tế, giảm ngân sách trong quá trình xử lý rác thải.
– Phân loại rác tại nguồn góp phần thúc đẩy quá trình tái chế, tái sử dụng chất thải giúp tiết kiệm được tài nguyên, mang lợi ích kinh tế cho gia đình, gây quỹ cho hoạt động tại nguồn.
– Chất thải rắn hữu cơ dễ phân hủy tạo nguồn nguyên liệu dồi dào trong sản xuất phân vi sinh, một loại phân rất tốt cho cây trồng và thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích cho chính chủ nguồn thải từ việc tận dụng phế liệu tái chế và phân compost tự chế biến.
– Phân loại rác tại nguồn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên và môi trường, bảo vệ môi trường sống của con người và các loài sinh vật khác.
Để công tác quản lý và xử lý chất thải rắn được hiệu quả và thuận lợi thì hiện nay Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chất thải rắn sinh hoạt như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu và Nghị định 40/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Tại các văn bản này cũng nêu rõ trách nhiệm của các cá nhân, hộ gia đình trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt và bảo vệ môi trường.
Chất thải rắn được phân loại theo nhiều cách khác nhau dựa vào các tiêu chí riêng. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt được phân loại thành các loại quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu:
Nhóm hữu cơ dễ phân hủy: gồm các thành phần nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật, bã các loại…
Nhóm có khả năng tái sử dụng, tái chế: gồm các thành phần như giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh…
Nhóm còn lại gồm các thành phần như đất, cát bụi, vải, đầu mẩu thuốc lá, hạt hút ẩm, tóc, sành sứ, gốm, tro….
Các cá nhân, hộ gia đình khi phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải có trách nhiệm phân loại và lưu giữ chất thải rắn theo đúng quy định. Chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại được lưu giữ trong các bao bì hoặc thiết bị lưu chứa phù hợp.
Đối với các hộ gia đình, cá nhân ở các nơi khác nhau thì việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt phải tuân thủ theo tại nơi đó. Cụ thể như sau:
Hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định vào các bao bì để chuyển giao, trong đó:
– Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
– Chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi.
Hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt sau khi thực hiện phân loại theo quy định thì phải thực hiện quản lý như sau:
– Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi;
– Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng, tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
– Chất thải thực phẩm không tận dụng làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi thì phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt;
`- Chất thải rắn sinh hoạt khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.
Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt thực hiện phân loại, lưu giữ và chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường.
Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải cồng kềnh được thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Việc phân loại chất thải rắn được thực hiện ngay thời điểm phát sinh chất thải rắn sinh hoạt. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị – xã hội ở cơ sở có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại theo đúng quy định thì cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt khác.
Theo quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chậm nhất là ngày 31/12/2024 hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thực hiện giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 1 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sau ngày 31/12/2024, Hộ gia đình không thực hiện phân loại rác theo quy định sẽ bị xử phạt và chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định.
Mức phạt với hành vi không phân loại chất thải rắn trong sinh hoạt được định cụ thể tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, hành vi vi phạm trên sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Ngoài ra, Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP còn quy định một số mức phạt khác liên quan đến hành vi thu gom, thải rác trái quy định về bảo vệ môi trường, gồm: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển nguyên liệu, vật liệu không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường trong khi tham gia giao thông.
Phạt tiền từ 2.500.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đốt ngoài trời phụ phẩm từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính.
Cùng với việc xử phạt trực tiếp, Nghị định cũng cho phép phạt nguội với các hành vi trên. Thay vì bắt quả tang để xử phạt, hệ thống camera sẽ ghi lại hành vi vứt rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định để xử phạt nguội.
Theo khoản 2, Điều 6, Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định đây là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm mức phạt tiền gấp 02 đối với cá nhân.
- Đề xuất một số giải pháp nâng cao trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt và bảo vệ môi trường
Hiện nay, tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh Sơn La được thu gom đạt trên 90%; tỷ lệ xử lý đạt 96,74%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn đến hết năm 2020 đạt 75%, hết năm 2021 đạt 80%. Toàn tỉnh có 13 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt được phê duyệt quy hoạch đang hoạt động ổn định. Khu xử lý chất thải rắn tại thành phố Sơn La được đầu tư xây dựng tại xã Chiềng Ngần có công xuất xử lý trung bình khoảng 75-79 tấn rác thải/ngày. Phương pháp xử lý chất thải rắn đang áp dụng là phương pháp ủ sinh học làm phân compost và chôn lấp hợp vệ sinh. Sản phẩm cuối cùng là mùn compost loại 1 và loại 2 được bán ra thị trường. Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, nhưng Sơn La vẫn đang gặp nhiều khó khăn do địa bàn thu gom rộng, trong khi các khu dân cư thưa thớt không tập trung, địa hình chủ yếu là đồi núi gây khó cho công tác quy hoạch khu xử lý chất thải rắn tập trung. Ý thức của người dân về thu gom, phân loại và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đúng nơi quy định còn hạn chế nên việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vẫn chưa được thực hiện rộng rãi, hoạt động tái chế chất thải còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, tình trạng lén lút thải rác bừa bãi nơi công cộng, ven đường… còn diễn ra và gây khó khăn trong quá trình thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Từ nay đến 31/12/2024 là khoảng thời gian giúp cho người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác thải, làm quen với việc phân loại rác thải hàng ngày; hiểu và xem việc phân loại rác như một tập quán trong đời sống hằng ngày, xem rác như một nguồn tài nguyên, có lợi cho chính họ và cộng đồng xã hội. Để phân loại rác thải rắn sinh hoạt thực sự đi vào cuộc sống, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện nội dung này.
Việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn do đó cần thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp để nâng cao trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình. Tôi xin đưa ra một số giải pháp như sau:
Giải pháp về cơ chế, chính sách
Các cấp chính quyền cần nghiên cứu, xây dựng, bổ sung các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, hướng dẫn cụ thể về phân loại chất thải rắn sinh hoạt, quy định về bao bì và thiết bị lưu chứa, cách thức phân loại.
Rà soát, hoàn thiện quy định, cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các hoạt động giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn.
Quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND từ cấp tỉnh tới cấp huyện, cấp xã; trách nhiệm các cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp; trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý chất thải.
Rà soát, xây dựng và ban hành các quy định chi tiết về vị trí việc làm của công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các cơ quan Nhà nước; rà soát, bổ sung nhân lực cho công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở cấp Trung ương và địa phương.
Nghiên cứu cơ chế chính sách giảm phí cho các cá nhân, hộ gia đình thực hiện tốt việc phân loại chất thải tại nguồn theo quy định.
Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm thu hút, tăng cường và đa dạng hoá các nguồn lực đầu tư tăng cường cho công tác quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đảm bảo hiệu quả, minh bạch phù hợp với thực tiễn; tăng cường xã hội hoá công tác thu gom, vận chuyển và vận hành cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đẩy nhanh quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp thuộc khu vực Nhà nước tham gia vào quá trình thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
Giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng
Việc thực hiện truyền thông liên tục, có bài bản, đơn giản hóa nội dung và dễ hiểu đến với người dân. Có nhiều cách thức tuyên truyền có thể áp dụng như:
Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng: trên báo; đài truyền hình; truyền thanh; cổng thông tin điện tử thành phố; trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường xã.
Tuyên truyền trực quan qua các ấn phẩm, tài liệu, tờ rơi, tờ gấp, pano, standee, bảng tin, màn hình LED tại các địa điểm công cộng…
Tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện tại khu dân cư.
Tổ chức các buổi vận động thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư.
Tổ chức các sự kiện truyền thông: ngày hội tái chế, ngày ra quân vệ sinh môi trường, hội thi, cuộc thi sáng kiến, giải pháp 3R…
Tổ chức các buổi tuyên truyền hướng đến các nhóm đối tượng cụ thể: Trường học (học sinh – sinh viên); Cơ quan hành chính sự nghiệp, văn phòng (cán bộ công chức, viên chức, văn phòng); Nhà hàng, khách sạn, quán ăn, quán café (nhân viên, khách hàng); Khu vui chơi giải trí, sân vận động, sân bay, nhà ga, bến xe (khu vực công cộng); Khu chung cư (người dân); Chợ, siêu thị, trung tâm thương mại (nhân viên, tiểu thương, khách hàng).
Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào cách phân biệt các loại rác hữu cơ dễ phân hủy, rác tái chế và các loại rác còn lại; Các quy định về phân loại, các quy định về xử phạt vi phạm hành chính, trách nhiệm của cộng đồng, quy định về phí thu gom rác thải; tác hại của việc vứt bỏ bừa bãi rác thải chưa được xử lý ra đường làng ngõ xóm, sông suối tới sức khỏe cộng đồng, cảnh quan, môi trường. Chương trình truyền thông phải được lên kế hoạch cụ thể, thực hiện liên tục và lâu dài. Người thực hiện là đại diện UBND các cấp, các hội, đoàn thể cấp huyện, xã và cấp thôn (trưởng hoặc bí thư thôn). Đồng thời, cần có sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn để hướng dẫn nội dung, hình thức tuyên truyền và hướng dẫn các buổi tập huấn.
Giải pháp kỹ thuật
– Đơn vị thu gom rác phải đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, tham gia đấu thầu công khai, phải trang bị kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu đã đặt ra mới được thu gom, vận chuyển, phải đồng bộ về con người, kỹ thuật, năng lực quản lý, xử lý. Bởi đây là khâu quan trọng quyết định thành công của việc phân loại rác tại nguồn; và đã có nhiều tỉnh, thành phố triển khai phân loại rác tại hộ gia đình được đánh giá là thành công nhưng phương tiện thu gom, xử lý không đồng bộ (không có phương tiện thu gom rác hữu cơ, vô cơ riêng biệt nên thu gom chung và rác thải hữu cơ, vô cơ vận chuyển chung với nhau) dẫn đến việc phân loại trở nên vô ích, không đạt được hiệu quả như mong muốn.
– Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình điểm về phân loại tại nguồn (phù hợp với các công nghệ xử lý chất thải; đặc biệt là việc phân loại để làm cơ sở cho việc áp dụng các công nghệ thu hồi năng lượng từ chất thải); thu gom, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt nhằm lựa chọn các mô hình phù hợp để nhân rộng. Chính quyền cùng đồng hành với người dân trong việc thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình. Ngoài việc hướng dẫn cần phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cũng như duy trì hoạt động phân loại rác tại hộ gia đình để đem lại hiệu quả thiết thực. Quá trình triển khai ngoài việc hỗ trợ hướng dẫn về kỹ thuật thực hiện nên ban hành và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ trang thiết bị phân loại rác như thùng hoặc giỏ đựng rác, nguyên vật liệu xây dựng hố ủ phân, xử lý rác hữu cơ ngay tại hộ gia đình; theo đó, chính quyền cần phải xây dựng kế hoạch, lên phương án cụ thể cho việc triển khai phân loại rác cho từng thôn; trong phương án cần vạch ra các nội dung, hạng mục, kinh phí để hỗ trợ và kinh phí huy động từ người dân để cùng thống nhất, bàn bạc triển khai tại các thôn trên địa bàn xã
– Xây dựng các mô hình “nói không với chất thải nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy”, quy định giảm thiểu nhựa trong bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, chủ nguồn thải và tại khu vực công cộng phục vụ công tác phân loại tại nguồn và giảm thiểu chất thải nhựa phát sinh. Bên cạnh đó, cần tăng cường giới thiệu các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.
Kết luận
Những năm gần đây, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, cùng với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng kéo theo lượng chất thải phát sinh tăng. Chất thải rắn nói chung, chất thải rắn sinh hoạt nói riêng đang là mối đe dọa lớn đến đời sống con người. Hầu hết chi phí cho việc xử lý rác đều do ngân sách nhà nước chi trả, do đó việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý chất thải, bảo vệ môi trường. Các hộ gia đình, cá nhân cần nâng cao nhận thực, trách nhiệm và tạo thói quen phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, góp phần giảm ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và tiến tới một khái niệm sống xanh bền vững.
Tham luận tại hội thảo “Những vấn đề đặt ra trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn thành phố Sơn La và trung tâm các huyện”
Tác giả: ThS. Nguyễn Thùy Trang – BM Quản lý tài nguyên và Môi trường